Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đồng chí Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì Hội nghị và với sự tham gia của hơn 80 đại biểu đại diện tổ chức pháp chế các cơ quan thực hiện pháp điển, các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị của Bộ Tư pháp được phân công thực hiện pháp điển. Hội nghị đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Quyết định số 843/QĐ-TTg và Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó:
1. Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục. Trong đó có 265 đề mụcthuộc 45 chủ đề.
Tại Quyết định số 843/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thực hiện pháp điển theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan được phân công chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục để bảo đảm việc thực hiện pháp điển được thuận lợi, hiệu quả; Trong quá trình thực hiện pháp điển các đề mục, khi có căn cứ làm thay đổi tên đề mục thì xác định tên đề mục đó theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
2. Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển
2.1. Lộ trình xây dựng Bộ pháp điển
Bộ pháp điển được xây dựng và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (2014-2023). Các cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành ngay việc thực hiện pháp điển các đề mục đã được phân công tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các chủ đề của Bộ pháp điển theo lộ trình 03 giai đoạn, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1 (2014-2017), thực hiện pháp điển xong 08 chủ đề gồm: Dân tộc; Hành chính tư pháp; Ngân hàng, tiền tệ; Tài chính; Thống kê; Tôn giáo, tín ngưỡng; Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ.
- Giai đoạn 2 (2018-2020), thực hiện pháp điển xong 27 chủ đề gồm: Bưu chính, viễn thông; Bổ trợ tư pháp; Cán bộ, công chức, viên chức; Chính sách xã hội; Công nghiệp; Dân số, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới; Dân sự; Đất đai; Doanh nghiệp, hợp tác xã; Giáo dục, đào tạo; Giao thông, vận tải; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Khiếu nại, tố cáo; Khoa học, công nghệ; Môi trường; Tài nguyên; Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước; Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước; Thi hành án; Thông tin, báo chí, xuất bản; Thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác; Thương mại, đầu tư, chứng khoán; Tổ chức chính trị - xã hội, hội; Văn hóa, thể thao, du lịch; Xây dựng, nhà ở; Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; Đô thị.
- Giai đoạn 3 (2021-2023), thực hiện pháp điển xong 10 chủ đề gồm: An ninh quốc gia; Bảo hiểm; Lao động; Ngoại giao, điều ước quốc tế; Nông nghiệp, nông thôn; Quốc phòng; Tổ chức bộ máy nhà nước; Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp; Trật tự an toàn xã hội; Y tế, dược.
2.2. Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Bộ pháp điển
Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, bố trí, bổ sung biên chế và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác để thực hiện công tác pháp điển; tổ chức thực hiện pháp điển đảm bảo đúng tiến độ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan. Bộ Tư pháp và các cơ quan thực hiện pháp điển khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau: Hoàn thiện thể chế về công tác pháp điển; bảo đảm nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện công tác pháp điển; tổ chức thực hiện pháp điển đồng bộ các chủ đề của Bộ pháp điển; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện pháp điển; biên soạn sổ tay nghiệp vụ, kỹ thuật pháp điển; xây dựng Trang thông tin điện tử pháp điển và phần mềm pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, tuyên truyền kết quả pháp điển…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận phương hướng triển khai tại các cơ quan thực hiện pháp điển. Kết thúc Hội nghị, Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan quan tâm tổ chức triển khai thực hiện pháp điển thuộc thẩm quyền của cơ quan mình. Trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
- Tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg và Quyết định số 1267/QĐ-TTg bảo đảm hiệu quả, đúng yêu cầu và tiến độ.
- Khẩn trương ban hành kế hoạch chung thực hiện pháp điển của cơ quan mình.
- Cơ quan thực hiện pháp điển ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện pháp điển tại cơ quan mình (Quy chế phối hợp giữa Tổ chức pháp chế với các đơn vị được phân công thực hiện pháp điển, Quy chế sử dụng Cộng tác viên...).
- Bố trí biên chế phù hợp cho Tổ chức pháp chế và đơn vị được phân công thực hiện pháp điển.
- Xây dựng đội ngũ Cộng tác viên thực hiện công tác pháp điển hoặc cho ý kiến đối với kết quả pháp điển (nếu cần thiết). Cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về công tác pháp điển.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện pháp điển cho cán bộ làm công tác pháp điển của cơ quan mình. Trong đó ưu tiên đối với các đơn vị thực hiện pháp điển các đề mục thuộc các chủ đề phải hoàn thành trong Giai đoạn 1.
- Thực hiện pháp điển sớm các đề mục thuộc các chủ đề phải hoàn thành trong Giai đoạn 1, các đề mục thuộc các lĩnh vực có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối ổn định, nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
- Sau khi Chính phủ thông qua kết quả pháp điển theo từng đề mục hoặc chủ đề, cơ quan thực hiện pháp điển thực hiện phổ biến, tuyên truyền đến các đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc mỗi đề mục, chủ đề được Chính phủ thông qua.
- Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan thực hiện pháp điển lập dự toán chi tiết kinh phí bảo đảm cho công tác pháp điển, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm theo quy định (Kinh phí được sử dụng từ ngân sách nhà nước bố trí cho các cơ quan thực hiện pháp điển hàng năm theo quy định và các nguồn hỗ trợ khác của cá nhân, tổ chức, nước ngoài (nếu có).
- Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện pháp điển theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan được phân công chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục để bảo đảm việc thực hiện pháp điển được thuận lợi, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện pháp điển các đề mục, khi có căn cứ làm thay đổi tên đề mục thì xác định tên đề mục đó theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
- Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp, xây dựng Báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác pháp điển của cơ quan mình gửi Bộ Tư pháp (trước ngày 05/6 và 05/12 hàng năm) để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Trong quá trình thực hiện Quyết định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan thực hiện pháp điển chủ động trao đổi với Bộ Tư pháp để tìm biện pháp khắc phục; trong trường hợp có ý kiến không thống nhất, phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tác giả: Duy Thắng