Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Trang thông tin điện tử pháp điển và Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL. Trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Trang thông tin điện tử pháp điển, Bộ Tư pháp thấy rằng các tính năng cần thiết và theo quy định của pháp luật cũng như lựa chọn công nghệ để xây dựng thì Trang thông tin điện tử pháp điển cần được đổi tên thành
Cổng thông tin điện tử pháp điển. Cổng thông tin điện tử pháp điển là cổng thông tin độc lập, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động với mục đích quan trọng và cơ bản nhất là đăng tải Bộ pháp điển điện tử; là kênh giao tiếp chính thức giữa Bộ Tư pháp, các cơ quan thực hiện pháp điển với các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các hoạt động về pháp điển hệ thống QPPL. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử đã chính thức hoạt động công khai trên môi trường mạng từ ngày 21/10/2015 (với địa chỉ:
http://www.phapdien.moj.gov.vn). Về cơ bản, Cổng thông tin điện tử pháp điển đã đáp ứng các yêu cầu của công tác pháp điển hệ thống QPPL theo quy định hiện hành. Để duy trì hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban ký các Quyết định số 2264/QĐ-BTP ngày 30/12/2015 ban hành Quy chế hoạt động Cổng thông tin điện tử pháp điển, Quyết định số 2265/QĐ-BTP ngày 31/12/2015 ban hành Quyết định thành lập Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử pháp điển, Quyết định số 2266/QĐ-BTP ngày 31/12/2015 Quy chế hoạt động của Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử pháp điển.
Song song với nhiệm vụ triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử pháp điển, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL theo đúng quy định. Theo đó, Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL là phần mềm dùng chung để thực hiện pháp điển tại các cơ quan thực hiện pháp điển với 03 cấp độ tài khoản: Cấp 1 là
Tài khoản quản trị pháp điển quốc gia do Bộ Tư pháp quản lý và sử dụng. Tài khoản này thực hiện chức năng quản trị chung Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL; quản lý Bộ pháp điển điện tử, các chủ đề, đề mục của Bộ pháp điển; quản lý việc thẩm định kết quả pháp điển; Cấp 2 là
Tài khoản quản trị pháp điển tại các bộ, ngành - Bộ Tư pháp cấp cho các bộ, ngành 01 tài khoản. Tài khoản này để thực hiện chức năng quản trị và phân công nhiệm vụ pháp điển theo thẩm quyền đến các đơn vị thuộc bộ, ngành; Cấp 3 là
Tài khoản thực hiện pháp điển tại các bộ, ngành - các bộ, ngành tự cấp và quản lý đối với tài khoản thực hiện pháp điển của các đơn vị thuộc bộ, ngành mình. Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL bảo đảm tính bảo mật, an toàn an ninh thông tin, dễ triển khai, sử dụng cho tất cả các cơ quan thực hiện pháp điển và phù hợp với xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để xây dựng Bộ pháp điển điện tử; được cài đặt tại Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp, tích hợp trên môi trường Internet (với địa chỉ:
http://www.phapdiendientu.moj.gov.vn). Ngày 04/4/2016 vừa qua, Bộ Tư pháp có Công văn gửi các Bộ, ngành đề nghị cử đầu mối đại diện để Bộ Tư pháp cấp tài khoản sử dụng phần mềm (account truy cập). Sau khi các Bộ, ngành được cấp tài khoản, các Bộ, ngành có thể sử dụng ngay phần mềm bằng cách nhập tài khoản của cơ quan mình theo quy định.
|
|
Tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Đồng Ngọc Ba cũng đã thông tin đến các đại biểu tham dự việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong công tác pháp điển về cơ bản đã bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết để xây dựng thành công Bộ pháp điển; tình hình tổ chức triển khai thực hiện pháp điển tại các cơ quan thực hiện pháp điển đã có sự tích cực, chủ động chuẩn bị, bố trí các điều kiện bảm đảm cho công tác pháp điển; kết quả thực hiện pháp điển theo đề mục đáng được ghi nhận, cụ thể: Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg,
265 đề mục của Bộ pháp điển được hoàn thành trong khoảng gần 10 năm từ năm 2014 đến 2023, theo 03 giai đoạn cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (2014 – 2017) hoàn thành
22 đề mục; Giai đoạn 2 (2018 – 2020) hoàn thành
144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 – 2023) hoàn thành
99 đề mục. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã cố gắng theo sát và đôn đốc việc sớm triển khai công tác pháp điển tại các Bộ, ngành thông qua tổ chức pháp chế của Bộ, ngành, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển sớm triển khai pháp điển những đề mục nào do cơ quan mình chủ trì mà xác định hệ thống văn bản QPPL thuộc nội dung đề mục đó tương đối ổn định và nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, các Bộ, ngành cũng đã đưa vào kế hoạch chung thực hiện pháp điển và hoàn thành trước thời hạn (trước năm 2018) với
96/243 đề mục thuộc Giai đoạn 2 và Giai đoạn 3, nâng tổng số đề mục cần phải hoàn thành trước năm 2018 lên
118 đề mục. Tuy nhiên, một số đề mục trong các chủ đề thuộc Giai đoạn 1 chưa được triển khai thực hiện pháp điển do phụ thuộc vào lộ trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL như: Đề mục "Tín ngưỡng, tôn giáo"; Đề mục "Công tác văn thư của Bộ Nội vụ" đang còn phải chờ Luật tín ngưỡng, tôn giáo mới và Pháp lệnh văn thư mới (dự kiến được thông qua trong năm 2016); Đề mục "Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký" và Đề mục "Chứng thực" do Bộ Tư pháp chủ trì pháp điển thì đang dự kiến chờ Luật Chứng thực mới (có khả năng được thông qua vào quý III/2016); Đề mục "Thống kê" dự kiến triển khai thực hiện vào năm 2017 vì Luật thống kê mới 2015 vừa được ban hành (trình Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 23/11/2015)... Đến nay, có
20 đề mục đã thực hiện pháp điển và thẩm định xong,
27 đề mục đang được triển khai thực hiện pháp điển và một số đề mục mới chỉ ở giai đoạn đầu triển khai công tác pháp điển, như xây dựng kế hoạch hoặc đang tiến hành rà soát, tập hợp văn bản. Với kết quả 20 đề mục đã hoàn thiện, có thể thấy trong các năm qua, các Bộ, ngành (cụ thể: Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước) đã quan tâm, tập trung triển khai hiệu quả hoạt động pháp điển và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, cần được phát huy, duy trì và nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy khối lượng công việc phải triển khai thực hiện trong năm 2016 và 2017 là rất lớn (các Bộ, ngành phải tập trung triển khai và hoàn thiện khoảng gần
100 đề mục để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra cũng như phải hoàn thành theo lộ trình thực hiện Đề án xây dựng Bộ pháp điển).
Hiện nay, Cổng thông tin điện tử pháp điển và Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL chính thức đưa vào hoạt động sẽ góp phần hỗ trợ triển khai công tác pháp điển bảo đảm tiến độ, hiệu quả cũng như tuyên truyền, phổ biến về Bộ Pháp điển của Nhà nước. Các chủ đề, đề mục được Chính phủ thông qua sẽ do Bộ Tư pháp đăng tải trên mục
Bộ Pháp điển của Cổng thông tin điện tử pháp điển. Đối với 20 đề mục đã thực hiện pháp điển và thẩm định xong, chưa được trình Chính phủ thông qua hiện đang được cập nhật qua Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL và đăng tải trên mục
Kết quả pháp điển đã thẩm định của Cổng thông tin điện tử pháp điển để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo trước.
Theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, Bộ pháp điển mới chỉ được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Để nâng cao giá trị của Bộ pháp điển, Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL đã tích hợp và sử dụng nguồn văn bản QPPL trên Cở sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để pháp điển các đề mục. Các văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được sử dụng chính thức trong việc quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (theo quy định tại Nghị Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật). Tuy nhiên, hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật hiện nay chưa đầy đủ, chính xác do trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2015/NĐ-CP, văn bản QPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật do Bộ Tư pháp đăng tải, cập nhật. Do vậy, để việc triển khai sử dụng Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL có hiệu quả và bảo đảm việc xây dựng Bộ Pháp điển đúng tiến độ, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần tập trung tập huấn kiến thức sử dụng phần mềm cho công chức làm công tác pháp điển của các Bộ, ngành nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ làm công tác pháp điển và sử dụng Phần mềm; các cơ quan thực hiện pháp điển cần tập trung chỉ đạo tổ chức pháp chế khẩn trương thực hiện thu thập, rà soát các văn bản QPPL có hoặc chưa có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành nhằm cập nhật đầy đủ, chính xác văn bản QPPL theo đúng quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP, từ đó triển khai, thực hiện pháp điển theo đề mục được chính xác.