Sau 03 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác pháp điển bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ với
25 đề mục đã được thẩm định và hoàn thiện trong tổng số 265 đề mục theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 06/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục. Các bộ, ngành bước đầu đã quan tâm bố trí biên chế, kinh phí triển khai công tác này. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bộ, ngành trong việc thực hiện pháp điển, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ nghiệp vụ pháp điển cho người làm công tác pháp điển; xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử pháp điển và Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL.
|
|
Tuy nhiên, qua 03 năm triển khai thực hiện, công tác pháp điển đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: Chưa bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện pháp điển, hầu hết là kiêm nhiệm; định mức kinh phí thực hiện công tác pháp điển còn hạn chế, chưa tương xứng với khối lượng công việc; một số cơ quan chưa ban hành Kế hoạch chung thực hiện pháp điển tại cơ quan mình; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật chưa đầy đủ, gây khó khăn trong việc thực hiện pháp điển bằng Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL; thể chế pháp luật trong công tác pháp điển đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, nhất là mô hình tổ chức thực hiện pháp điển.
|
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện công tác pháp điển hệ thống QPPL, cũng như một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp điển, nhất là một số quy định của pháp luật như: Tên gọi của Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL; việc pháp điển QPPL theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL; cấu trúc của Bộ pháp điển; cấu trúc của các đề mục trong mỗi chủ đề; thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển (mô hình tổ chức thực hiện); trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển (thu thập văn bản QPPL; tạo lập Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định; thẩm định kết quả pháp điển; ký xác thực và đóng dấu kết quả pháp điển; thông qua kết quả pháp điển theo chủ đề); việc pháp điển QPPL mới; một số kỹ thuật thực hiện pháp điển; Chính phủ thông qua kết quả pháp điển trên bản điện tử; có pháp điển án lệ hay không; có pháp điển các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc công nhận hay không… Qua đó các đại biểu cũng đã đưa ra các phân tích, phương án khác nhau với hai hướng cơ bản: Một là, giữ nguyên các quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục, kỹ thuật thực hiện pháp điển tại Nghị định số 63/2013/NĐ-CP và một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền thực hiện pháp điển, mô hình tổ chức thực hiện, cấu trúc bộ pháp điển, kỹ thuật thực hiện pháp điển tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều thống nhất nhận định việc cần phải thay đổi mô hình tổ chức thực hiện pháp điển và một số trình tự, thủ tục, kỹ thuật thực hiện pháp điển cho phù hợp với tình hình hiện nay. Theo đó, mô hình tổ chức thực hiện pháp điển cần được tập trung do Chính phủ thực hiện công tác pháp điển (thành lập Ban chỉ đạo pháp điển do Phó Thủ tướng đứng đầu), trong đó, giao cho Bộ Tư pháp là đầu mối giúp Chính phủ và các Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện pháp điển các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách; các Bộ, ngành không phải ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển trước thẩm định - chỉ ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định; Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định không cần kết quả pháp điển bằng bản giấy; thủ tục thông qua kết quả pháp điển theo chủ đề đổi thành thông qua kêt quả pháp điển theo đề mục và thẩm quyền thông qua kết quả pháp điển theo đề mục giao cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện; kỹ thuật thực hiện pháp điển cần bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, đối với các trường hợp cụ thể thì để cơ quan thực hiện pháp điển chủ động thực hiện kỹ thuật pháp điển cho phù hợp.
|
|
Ngoài ra, Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về mô hình quản lý văn bản cấp địa phương và phương hướng triển khai thực hiện pháp điển tại địa phương. Theo đó, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về thẩm quyền thực hiện pháp điển; cách thức, trình tự, thủ tục pháp điển văn bản QPPL tại địa phương... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, trao đổi.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến và đồng chí Cục trưởng Đồng Ngọc Ba đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự. Đồng chí Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh, Bộ Tư pháp đã xác định pháp điển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới cách thức, mô hình tổ chức thực hiện công tác pháp điển hệ thống QPPL, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL và Nghị định 63/2013/NĐ-CP.