Sau khi Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có hiệu lực, trong 2 năm (2014 - 2015), Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm cần thiết để năm 2016 và những năm tiếp theo tập trung xây dựng Bộ pháp điển. Cụ thể, (1) về thể chế: cơ bản với những quy định hiện nay về công tác pháp điển đã đầy đủ, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển; (2) công tác bố trí nguồn lực thực hiện (nhân sự, kinh phí): trên cơ sở các quy định tại Pháp lệnh pháp điển, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP, Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, các Bộ, ngành đã xác định tương đối rõ khối lượng công việc được giao của cơ quan mình và qua đó bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp để triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng; (3) công tác trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho người làm công tác pháp điển: Như Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã từng nói, pháp điển là công tác mới, khó, có tính kỹ thuật cao, đòi hỏi người làm công tác pháp điển phải cẩn thận, được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ. Nhận thức được những khó khăn đó, Cục Kiểm tra văn bản cũng như Tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, biên soạn sách hướng dẫn nghiệp vụ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người làm công tác pháp điển. Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải... Về cơ bản, cho đến nay những người làm công tác pháp điển đã được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng để triển khai, thực hiện pháp điển tại cơ quan mình; (4) công tác khác: Bên cạnh những điều kiện bảo đảo để triển khai thực hiện nêu trên, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào sử dụng Phần mềm pháp điển. Theo đó, Phần mềm pháp điển là phần mềm dùng chung cho các Bộ, ngành. Các Bộ, ngành thực hiện pháp điển trực tiếp trên Phần mềm và kết quả pháp điển là bản điện tử được đăng công khai trên mạng internet - cụ thể là Cổng thông tin điện tử pháp điển (http://www/phapdien.moj.gov.vn/)... Ngoài ra, trong 2 năm 2014 và 2015, các Bộ, ngành cũng đã thực hiện pháp điển xong 16 đề mục trong tổng số 265 đề mục của Bộ pháp điển. Với những kết quả đạt được, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Cục Kiểm tra văn bản (2 năm trước), lúc đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chủ trì Hội nghị đã đánh giá cao về những kết quả đạt được của công tác pháp điển trong năm 2014 và đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh là rất ấn tượng với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cho công tác pháp điển.
|
|
Hôm nay, ngày 18/01/2017, cũng tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Cục Kiểm tra văn bản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của công tác pháp điển trong năm 2016. Đặc biệt, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh với đà này, việc hoàn thành Bộ pháp điển sẽ vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển thì Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023) chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 8 chủ đề với 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 27 chủ đề với 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 10 chủ đề với 99 đề mục. Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản thuộc nội dung đề mục có tính ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân doanh nghiệp, một số bộ, ngành đã chủ động thực hiện pháp điển các đề mục trước tiến độ. Riêng năm 2016, các Bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 38 đề mục, nâng tổng số đề mục được pháp điển xong đến nay là 51 gồm: Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Hòa giải ở cơ sở; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Cơ yếu; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài; Hoạt động mỹ thuật; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Các công cụ chuyển nhượng; Phòng, chống rửa tiền; Bảo hiểm tiền gửi; Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Di sản văn hóa; Đê điều; Công nghiệp quốc phòng; Giá; Công chứng; Tư vấn pháp luật; Dân quân tự vệ; Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Trưng mua, trưng dụng tài sản; Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật sư; Nuôi con nuôi; Đầu tư; Doanh nghiệp; Đất đai; Kiểm soát thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Cạnh tranh; Khuyến công; Ngoại hối; Nghĩa vụ quân sự; Đặc xá; Phòng, chống bạo lực gia đình; Quy chế đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức Quốc phòng; Lực lượng dự bị động viên; Lý lịch tư pháp quốc gia; Dân số; Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Quốc tịch Việt Nam; Điện ảnh.
|
|
Trên cơ sở tổng hợp kế hoạch của các Bộ, ngành thì trong năm 2017 sẽ hoàn thành thêm 67 đề mục, nâng tổng số đề mục hoàn thành trong giai đoạn 1 là 118. Như vậy, số lượng các đề mục được pháp điển xong trong giai đoạn 1 vượt xa tiến độ đề ra (118/22 đề mục). Như vậy, có thể thấy khối lượng công việc trong năm 2017 và những năm tiếp theo còn rất lớn, nhưng với tiến độ công việc như hiện nay, các Bộ, ngành có thể xây dựng xong Bộ pháp điển vào năm 2020 - về đích sớm trước 3 năm theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc triển khai công tác năm 2017, tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận chỉ đạo Cục Kiểm tra văn bản tiếp tục xác định công tác pháp điển là 1 trong 2 nhiệm vụ trọng tâm của Cục. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục tập trung theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn để các Bộ, ngành thực hiện pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu quả - cần lưu ý tiến độ công việc để bảo đảm xây dựng xong Bộ pháp điển vào năm 2020. Trong đó, tập trung thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản tương đối ổn định, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Sau khi được Chính phủ thông qua kết quả pháp điển, Cục cần sớm thực hiện truyền thông rộng rãi, hiệu quả để tuyên truyền, giới thiệu về kết quả pháp điển. Lưu ý tập trung tuyên truyền đến đối tượng thường xuyên sử dụng Bộ pháp điển, đối tượng chịu sự tác động của các quy định trong mỗi đề mục. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế để nâng cao thêm một bước nữa về chất lượng Bộ pháp điển cũng như các giải pháp bảo đảm việc triển khai thực hiện pháp điển được hiệu quả.
|
|
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác pháp điển, năm 2016 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho tập thể Phòng Pháp điển và 03 công chức của Phòng gồm: Đồng chí Nguyễn Duy Thắng (Trưởng phòng); đồng chí Hoàng Linh Cầm (Phó Trưởng phòng) và đồng chí Trần Thanh Loan (chuyên viên). Đồng thời, năm 2016 đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng được Bộ trưởng tặng Bằng khen với thành tích suất sắc trong 2 năm 2015 và 2016.