Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL đã báo cáo kết quả 04 năm đạt được trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL như: về cơ bản, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong công tác pháp điển đã bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết để xây dựng thành công Bộ pháp điển; tình hình tổ chức triển khai thực hiện pháp điển tại các cơ quan thực hiện pháp điển đã có sự tích cực, chủ động chuẩn bị, bố trí các điều kiện bảm đảm cho công tác pháp điển; kết quả thực hiện pháp điển theo đề mục đáng được ghi nhận, cụ thể: Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg, 265 đề mục của Bộ pháp điển được hoàn thành trong khoảng gần 10 năm từ năm 2014 đến 2023, theo 03 giai đoạn cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã cố gắng theo sát và đôn đốc việc sớm triển khai công tác pháp điển tại các bộ, ngành thông qua tổ chức pháp chế của bộ, ngành, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển sớm triển khai pháp điển những đề mục nào do cơ quan mình chủ trì mà xác định hệ thống văn bản QPPL thuộc nội dung đề mục đó tương đối ổn định và nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 65 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua chủ đề Đất đai và 35 đề mục thuộc 15 chủ đề khác (tổng là 36 đề mục vì chủ đề Đất đai chỉ có 01 đề mục Đất đai). Còn 29 đề mục khác, Bộ Tư pháp đang dự kiến trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới. Đối với 29 đề mục đã được pháp điển xong nhưng chưa trình Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp tạm thời đăng tải trên Mục Kết quả pháp điển đã thẩm định trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để giúp các cá nhân, tổ chức tham khảo, sử sụng trước các đề mục này.
|
|
Giới thiệu về Bộ pháp điển và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tập trung trình bày các nội dung như: các hình thức pháp điển hệ thống QPPL trên thế giới; khái niệm pháp điển hệ thống QPPL ở Việt Nam; nguyên tắc thực hiện pháp điển; cấu trúc của Bộ pháp điển; giá trị sử dụng Bộ pháp điển; công tác xây dựng Bộ pháp điển… Qua đó, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng đánh giá và chỉ ra một số ý nghĩa cơ bản của Bộ pháp điển như: giúp cá nhân, tổ chức tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu, thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL; tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh các ý nghĩa nêu trên thì Bộ pháp điển cũng có những hạn chế nhất định như không thực hiện pháp điển các QPPL đã hết hiệu lực, án lệ và tập quán.
|
|
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước và đặc biệt ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng, vượt tiến độ đề ra giúp Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống. Đặc biệt là ý kiến của một số luật sư, họ mong muốn Nhà nước sớm hoàn thành Bộ pháp điển để giảm công sức tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần giải quyết hiệu quả các vụ việc của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có một số mong muốn và đề xuất Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội để nâng cao giá trị của Bộ pháp điển, có thể thay thế văn bản gốc.
|
|
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Đồng Ngọc Ba tin tưởng Bộ Pháp điển sau khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ hữu ích đối với nhu cầu tra cứu tìm hiểu về văn bản QPPL của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh: để Bộ pháp điển ngày càng được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, tìm kiếm các quy định của pháp luật đang còn hiệu lực, Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp mong muốn và đề nghị các quý vị đại biểu, người dân, doanh nghiệp khi tra cứu, áp dụng tham gia ý kiến đóng góp để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp.