Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Tổ chức chính quyền địa phương và Tố tụng hình sự
Sign In

Tình hình thực hiện pháp điển

Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Tổ chức chính quyền địa phương và Tố tụng hình sự

Thực hiện Quyết định số 2341/QĐ-BTP ngày 29/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Tổ chức chính quyền địa phương và Tố tụng hình sự, chiều ngày 07/12/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định các đề mục trên. Được sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì cuộc họp cùng với sự tham gia của các thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Nội vụ đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức chính quyền địa phương (Đề mục 7 thuộc Chủ đề 35. Tổ chức bộ máy nhà nước) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tố tụng hình sự (Đề mục 7 thuộc Chủ đề 37. Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp). Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể:
(1) Về trình tự, thủ tục pháp điển các đề mục: Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Danh mục văn bản dự kiến đưa vào pháp điển; thực hiện pháp điển theo thẩm quyền trên Phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống QPPL và tổng hợp hồ sơ kết quả pháp điển các đề mục trên gửi Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) để tổ chức thẩm định.
(2) Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển. Theo đó, Đề mục Tổ chức chính quyền địa phương có 45[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; Ủy ban Dân tộc; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng) và 04 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; Đề mục Tố tụng hình sự có 30[2] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng) và 31 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
 (3) Về cấu trúc đề mục: Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, Đề mục Tổ chức chính quyền địa phương được xác định theo cấu trúc của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 của Quốc hội, gồm 8 chương với 143 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; Đề mục Tố tụng hình sự có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 02/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, gồm 09 phần với 36 chương với 511 điều luật và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Bộ luật.
(4) Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, vị trí của các điều trong dự thảo kết quả pháp điển các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 02 đề mục. Về cơ bản, các QPPL trong các đề mục đã được thực hiện pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định trên cơ sở Danh mục văn bản QPPL do Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xác định đang còn hiệu lực và có nội dung thuộc các đề mục trên.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định có ý kiến như sau:
- Đối với Đề mục Tố tụng hình sự: Hội đồng thẩm định nhận thấy còn một số văn bản QPPL đang còn hiệu lực và có nội dung thuộc Đề mục. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rà soát, xác định tình trạng hiệu lực của các văn bản trên. Trường hợp các văn bản đang còn hiệu lực và được áp dụng trên thực tế, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với bộ, ngành liên quan pháp điển bổ sung QPPL của văn bản đó vào Đề mục; trường hợp văn bản hết hiệu lực, không còn áp dụng trên thực tế thì cần sớm xử lý hiệu lực theo quy định, cụ thể:
(1) Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự;
(2) Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA ngày 20/10/2008 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội;
(3) Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự;
(4) Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định có 02 văn bản QPPL có nội dung thuộc Đề mục Tố tụng hình sự, tuy nhiên, Hội đồng thẩm định thấy rằng, các văn bản này pháp điển vào Đề mục khác sẽ phù hợp hơn, tạo thuận lợi trong khai thác, tra cứu Bộ pháp điển. Do đó, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu bổ sung vào Danh mục văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục này và thực hiện chỉ dẫn theo quy định, cụ thể như sau:
(1) Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (văn bản này có nội dung thuộc Đề mục Giao thông đường bộ);
(2) Thông tư số 64/2020/TT- BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát giao thông (văn bản này có nội dung thuộc Đề mục Giao thông đường thủy nội địa).
- Đối với Đề mục Tổ chức chính quyền địa phương: Trong quá trình thực hiện pháp điển, Bộ Nội vụ rà soát, xác định Thông tư số 03/2009/TT-BNV ngày 29/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tên gọi Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện, quận và biển tên cơ quan Uỷ ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân có nội dung thuộc Đề mục nhưng không còn áp dụng trên thực tế nên không thực hiện pháp điển vào Đề mục. Hội đồng thẩm định thấy rằng, Bộ Nội vụ xác định như trên là phù hợp. Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời xử lý hiệu lực của văn bản theo quy định.
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Phó Chủ tịch Hội đồng nhận định: Kết quả pháp điển 02 đề mục do Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện đã bảo đảm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt thông qua theo quy định./.
 
[1] Ngoài ra, có 08 văn bản sửa đổi, bổ sung.
[2] Ngoài ra, có 05 văn bản sửa đổi, bổ sung.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang