Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Đề mục 3 Chủ đề 12. Doanh nghiệp, hợp tác xã); Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam (Đề mục 5 Chủ đề 28. Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục theo quy định.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 02 đề mục. Về cơ bản, các QPPL trong các đề mục đã được thực hiện pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định như:
1) Về trình tự, thủ tục pháp điển các đề mục: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Danh mục văn bản dự kiến đưa vào pháp điển; thực hiện pháp điển theo thẩm quyền trên Phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống QPPL và tổng hợp hồ sơ kết quả pháp điển các đề mục trên gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định.
2) Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển. Theo đó, Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có
20[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước) và
06 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam có
02[2] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) và
14 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Riêng với Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua rà soát, Hội đồng thẩm định thấy rằng, hiện nay một số văn bản QPPL đang còn hiệu lực và có nội dung thuộc Đề mục nhưng chưa được pháp điển. Do vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện pháp điển bổ sung đối với các văn bản này nhằm bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của các QPPL trong đề mục, cụ thể:
+) Thông tư số 47/2014/TT-BTC ngày 22/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại (hướng dẫn Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại);
+) Thông tư số 34/2019/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3) Về cấu trúc đề mục: Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/06/2017 của Quốc hội, gồm 04 chương với 34 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/07/2020 của Chính phủ quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, bao gồm 06 chương với 35 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Hội đồng đã đánh giá cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển xác định cấu trúc đề mục như trên là phù hợp.
4) Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, vị trí sắp xếp các điều trong dự thảo Kết quả pháp điển các đề mục: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy đinh chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Duy Thắng nhận định: Kết quả pháp điển 02 đề mục trên cơ bản bảo đảm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt thông qua theo quy định./.
[1] Ngoài ra có 02 văn bản sửa đổi, bổ sung.
[2] Ngoài ra có 06 văn bản sửa đổi, bổ sung.