- Về công tác xây dựng thể chế phục vụ công tác pháp điển: Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan thực hiện pháp điển ban hành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về công tác pháp điển hệ thống QPPL. Cho đến nay, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết cũng như văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đầy đủ, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển.
- Công tác bố trí nhân sự làm công tác pháp điển: 100% các bộ, ngành đã bố trí biên chế tổ chức, triển khai, thực hiện công tác pháp điển tại tổ chức pháp chế và các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ thực hiện pháp điển (hầu hết công chức làm công tác pháp điển tại các bộ, ngành là kiêm nhiệm, riêng Vụ Pháp chế Bộ Y tế được bố trí 01 công chức chuyên trách).
- Công tác bố trí kinh phí hỗ trợ làm công tác pháp điển: Ngày 13/12/2013, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP quy định cụ thể, chi tiết, hướng dẫn các cơ quan thực hiện pháp điển việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho từng hoạt động trong công tác pháp điển hệ thống QPPL. Theo đó kinh phí bảo đảm cho công tác pháp điển hệ thống QPPL được thực hiện theo quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước; kinh phí được bố trí cho từng đầu việc cụ thể. Về cơ bản, các bộ, ngành đều đã thực hiện lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác pháp điển hệ thống QPPL theo quy định, các đề mục triển khai thực hiện trong những năm qua đã được bố trí kinh phí phù hợp.
- Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ: Để trang bị kiến thức cũng như kỹ năng nghiệp vụ cho công chức làm công tác pháp điển tại các bộ, ngành, năm 2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho công chức làm công tác pháp điển tại tổ chức pháp chế và một số đơn vị thuộc bộ, ngành được giao thực hiện pháp điển các đề mục có thời hạn hoàn thành sớm. Tiếp theo đó, các bộ, ngành cũng đã chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển cho công chức thuộc cơ quan mình. Đến nay có 10 Bộ đã tổ chức tập huấn gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công Thương. Tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác pháp điển một cách toàn diện, tháng 10/2015, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ công chức làm công tác pháp điển tại các bộ, ngành.
- Công tác xây dựng Cổng thông tin điện tử pháp điển và Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL: Cổng thông tin điện tử pháp điển và Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL đã được Bộ Tư pháp xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Theo đó, Cổng thông tin điện tử pháp điển sẽ đăng tải Bộ pháp điển điện tử và là nơi thông tin, trao đổi về công tác pháp điển. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký ban hành Quy chế hoạt động và thành lập Ban biên tập để cập nhật, quản lý, duy trì Cổng thông tin điện tử pháp điển. Về Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL, sau khi xây dựng xong, tháng 3/2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm cho tổ chức pháp chế các bộ, ngành để các bộ, ngành tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị thuộc bộ, ngành thực hiện.
- Về kết quả thực hiện pháp điển theo đề mục: Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Đề án xây dựng Bộ pháp điển theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg, nhiệm vụ pháp điển đặt ra trong 03 Giai đoạn từ năm 2014 đến 2023 với 265 đề mục cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 – 2023) hoàn thành 99 đề mục. Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản thuộc nội dung đề mục có tính ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân doanh nghiệp, một số bộ, ngành đã đưa vào Kế hoạch chung thực hiện pháp điển và hoàn thành trước thời hạn, trong đó có 96/243 đề mục thuộc giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được đưa vào kế hoạch hoàn thành trước năm 2018. Nâng tổng số đề mục phải hoàn thành trước năm 2018 lên 118 đề mục. Đến nay, có 20 đề mục đã được pháp điển và thẩm định xong, 38 đề mục đang được triển khai thực hiện và 60 đề mục mới bắt đầu ở giai đoạn rà soát, xác định văn bản sử dụng để pháp điển vào đề mục. Như vậy, có thể thấy khối lượng công việc trong năm 2016 và 2017 là rất lớn, các bộ, ngành phải tập trung triển khai và hoàn thiện 98 đề mục để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra cũng như lộ trình theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
Như vậy, đến nay, về cơ bản, các mặt công tác bảo đảm cho việc xây dựng Bộ pháp điển đã đầy đủ. Các bộ, ngành cũng đã chủ động bắt tay vào thực hiện pháp điển và bước đầu đã có một số kết quả cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác pháp điển hệ thống QPPL trong thời gian qua gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
- Hầu hết các công chức làm pháp điển tại các đơn vị thuộc bộ, ngành không được đào tạo chuyên ngành luật nên việc nắm bắt kỹ năng, nghiệp vụ về kỹ thuật pháp điển gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian; công chức được giao thực hiện pháp điển tại các cơ quan, đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên có biến động, chuyển công tác. Ngoài ra, việc triển khai pháp điển đối với một đề mục thường kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, do đó, nhiều trường hợp một đề mục từ khi bắt đầu triển khai đến khi hoàn thành có sự thay đổi nhân sự nhiều lần, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và nhất là chất lượng của kết quả pháp điển, đồng thời gây lãng phí về công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ.
- Theo Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP, ngân sách nhà nước bố trí tối đa 30 triệu cho thực hiện pháp điển 01 đề mục. Đây là mức kinh phí hỗ trợ và phù hợp với các đề mục đơn giản. Đối với những đề mục phức tạp đòi hỏi phải được bố trí thêm kinh phí (có thể cả trăm triệu mới đủ). Hơn nữa, Trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành chưa thực sự quan tâm bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí thấp hơn mức quy định gây khó khăn cho công tác pháp điển tại các đơn vị trực thuộc.
- Công tác pháp điển là một nhiệm vụ mới, khó, bao gồm nhiều hoạt động ở nhiều công đoạn khác nhau, được giao theo hướng tản việc đến từng cơ quan, trong nhiều cơ quan lại giao đến từng đơn vị khác nhau thực hiện, do đó, việc phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của công tác pháp điển nói chung và kết quả pháp điển theo từng đề mục nói riêng.
- Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật chưa đầy đủ: Hiện nay, việc thu thập văn bản sử dụng để pháp điển được lấy từ một nguồn duy nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP, ngày 28/5/2015 của Chính phủ các Bộ, ngành có trách nhiệm cập nhật các văn bản QPPL đang còn hiệu lực do cơ quan mình chủ trì soạn thảo hoặc ban hành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và hoàn thành trước ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, đến nay, nhiều văn bản QPPL đang còn hiệu lực vẫn chưa được cập nhật hoặc các văn bản đã được cập nhật trước ngày Nghị định số 52/2015/NĐ-CP có hiệu lực chưa được kiểm duyệt chặt chẽ bảo đảm tính chính xác của văn bản gây khó khăn cho việc thực hiện pháp điển các đề mục.
- Thực tiễn triển khai công tác pháp điển trong thời gian qua cho thấy, thể chế quy định về kỹ thuật pháp điển đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế. Nhiều trường hợp đặc thù chưa được hướng dẫn kỹ thuật pháp điển cụ thể dẫn đến việc các bộ, ngành tùy nghi thực hiện…
Ngoài những khó khăn gặp phải nêu trên, trong thực tiễn triển khai thực hiện pháp điển tại các bộ, ngành cho thấy việc giao thẩm quyền thực hiện pháp điển tản việc theo Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL chưa thực sự hiệu quả, mất nhiều thời gian, công sức, tốn kém mà chất lượng không cao. Ví dụ như: nhiều cơ quan tham gia thực hiện pháp điển 1 đề mục khiến quy trình, thủ tục pháp điển lòng vòng, phức tạp nên khó khăn khi thực hiện và tốn nhiều thời gian; do tản việc đến các bộ, ngành nên thể chế cần phải được quy định cụ thể, chi tiết, tránh tình trạng các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện không thống nhất, tùy tiện - nhưng thể chế quy định quá chi tiết, cụ thể sẽ khiến việc thực hiện pháp điển kém linh hoạt, áp dụng kỹ thuật cứng nhắc trong một số trường hợp đặc thù cụ thể dẫn đến kết quả pháp điển thiếu tính hợp lý, khó tra cứu, áp dụng (kỹ thuật pháp điển cứng nhắc sẽ không thể áp dụng phù hợp với nhiều trường hợp khác nhau). Cũng do tản việc nên các đơn vị thuộc bộ, ngành thường chỉ được giao thực hiện pháp điển đối với 1 đề mục, thậm chí chỉ pháp điển 1 văn bản - chỉ thực hiện pháp điển tiếp khi có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản đã được pháp điển. Như vậy, công tác pháp điển là việc không thường xuyên mà tốn nhiều thời gian, công sức để nắm bắt kiến thức về kỹ thuật, nghiệp vụ pháp điển, gây lãng phí về nhiều mặt như thời gian, công sức và kinh phí... Để khắc phục những hạn chế này, cần thiết nghiên cứu giao một đầu mối tổ chức thực hiện pháp điển Ví dụ như có thể thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ Tư pháp làm cơ quan thường trực và các bộ, ngành có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ công tác để thực hiện pháp điển trong thời gian thực hiện pháp điển các văn bản do cơ quan mình chủ trì soạn thảo hoặc ban hành. Trong khi chưa thay đổi thẩm quyền thực hiện pháp điển của các cơ quan, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện pháp điển hệ thống QPPL trong thời gian tới, các bộ, ngành cần quan tâm thực hiện các việc sau:
- Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện thể chế về kỹ thuật thực hiện pháp điển để giúp các bộ, ngành thống nhất thực hiện; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ pháp điển và kiến thức sử dụng phần mềm pháp điển bảo đảm giúp các công chức của các bộ, ngành thực hiện pháp điển các đề mục hiệu quả, chất lượng; xây dựng và xuất bản các cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ pháp điển và Sổ tay hướng dẫn sử dụng Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL.
- Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tư pháp để sửa đổi Thông tư số 192/2013/TTLT-BTC-BTP theo hướng nâng định mức kinh phí phù hợp bảo đảm thực hiện pháp điển hiệu quả các đề mục có số lượng văn bản sử dụng để pháp điển lớn.
- Đối với các bộ, ngành: Cần thực hiện nghiêm Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ, Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện thể chế nội bộ, bố trí biên chế, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác pháp điển hệ thống QPPL tại bộ, ngành; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho công chức làm công tác pháp điển; ưu tiên thực hiện pháp điển sớm các đề mục thuộc lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện pháp điển các đề mục thuộc được xác định hoàn thành trước năm 2018.