Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 15/2022/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 16/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào Đề mục Giáo dục nghề nghiệp
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 15/2022/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 16/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào Đề mục Giáo dục nghề nghiệp

Thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ký ban hành 03 Thông tư, đó là: (1) Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/8/2022 quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2022; (2) Thông tư số 15/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/8/2022 về Quy chế quản lý, cấp phát Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2022; (3) Thông tư số 16/2022/TT-BLĐTBXH 06/9/2022 về Chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/10/2022. Đây là 03 văn bản quy phạm pháp luật được xác định thuộc về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Căn cứ theo nguyên tắc pháp điển được quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cập nhật các điều của 03 Thông tư mới ban hành nêu trên vào Đề mục Giáo dục nghề nghiệp (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 20 về Lao động của Bộ pháp điển) theo quy định.
Theo đó, cụ thể các điều của Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH (văn bản có ký hiệu mã hóa trong danh mục văn bản có nội dung thuộc Đề mục Giáo dục nghề nghiệp là TT.87) được thể hiện trong kết quả pháp điển Đề mục như sau:
Điều 20.1.TT.87.1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học viên, học sinh, sinh viên (sau đây gọi chung là người học) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Điều 20.1.TT.87.2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thông tư này không áp dụng đối với các trường sư phạm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 20.1.TT.87.3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tư vấn nghề nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người học về ngành, nghề đào tạo, nhu cầu lao động của xã hội đối với ngành, nghề đào tạo; giúp người học lựa chọn ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng, sở trường và nguyện vọng của bản thân.
2. Tư vấn việc làm trong giáo dục nghề nghiệp là các hoạt động giúp người học nắm bắt được thông tin về việc làm từ thị trường lao động, nâng cao khả năng, cơ hội tìm việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở trường và nguyện vọng của bản thân; người học được tư vấn miễn phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Hỗ trợ khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp là hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người học và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học trong thời gian học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo môi trường hỗ trợ người học khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để người học hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Điều 20.1.TT.87.4. Nguyên tắc thực hiện
1. Các nội dung, hoạt động của công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, nhận thức, ngành, nghề đào tạo và trình độ đào tạo của người học.
2. Hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người học được quy định tại Thông tư này không làm ảnh hưởng đến chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp phải thực hiện trên cơ sở lấy người học làm trung tâm; gắn với nhu cầu của người học và vì lợi ích của người học; đồng thời thực hiện trên cơ sở nhu cầu từ thị trường lao động, việc làm và phát triển các kỹ năng cho người học.
4. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ người học khởi nghiệp; xây dựng và phát triển không gian làm việc chung, không gian hỗ trợ người học khởi nghiệp.
5. Bảo đảm nhân sự thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ người học khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích việc thành lập trung tâm hoặc một bộ phận thuộc các phòng chức năng nhưng không làm tăng biên chế, bộ máy để thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ người học khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp có kỹ năng, kinh nghiệm, năng động, tâm huyết với công việc.
6. Bảo đảm cung cấp chương trình, tài liệu về tư vấn nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp, các kỹ năng cần thiết cho người học và đảm bảo về nguồn gốc của tài liệu.
Điều 20.1.TT.87.5. Mục đích
1. Giúp người học tự nhận thức về khả năng, sở thích, sở trường và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân; có kiến thức, hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, việc làm trong xã hội; xu hướng ngành, nghề việc làm trong tương lai để lựa chọn ngành, nghề học phù hợp.
2. Nâng cao nhận thức của người học về thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực nghề nghiệp.
3. Góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
Điều 20.1.TT.87.6. Tư vấn nghề nghiệp
1. Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học có nhu cầu học giáo dục nghề nghiệp: Về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề học; cách thức phát hiện thế mạnh bản thân và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp; ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tìm hiểu các chính sách, chế độ khi lựa chọn học nghề; nhu cầu nhân lực từ thị trường lao động.
2. Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học đang học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Về phương pháp, kỹ năng hoạch định kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho tương lai và một số kỹ năng cần thiết cho người học để hình thành thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực nghề nghiệp; các chế độ, chính sách cho người lao động liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo; thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động đối với ngành, nghề người học đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học sau tốt nghiệp có nhu cầu học ngành nghề khác hoặc có nhu cầu học trình độ cao hơn: Về ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; một số kỹ năng chuyển đổi, thích ứng linh hoạt cho người học.
4. Các nội dung tư vấn nghề nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 20.1.TT.87.7. Hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp
1. Tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học.
2. Tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp.
3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.
4. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp thông qua các tiết học, chương trình hướng nghiệp.
5. Tổ chức thông tin, tư vấn nghề nghiệp cho người học thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.
6. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
7. Phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội trong việc triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh.
8. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20.1.TT.87.8. Mục đích
1. Nâng cao hiểu biết của người học về xu hướng việc làm trên thị trường lao động.
2. Giúp người học có năng lực tìm kiếm và tự tạo việc làm.
3. Tư vấn việc làm phù hợp với sức khỏe; năng lực; sở trường; nguyện vọng; ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo của người học.
Điều 20.1.TT.87.9. Tư vấn việc làm
1. Cung cấp thông tin về việc làm liên quan đến ngành, nghề đào tạo; thông tin về tuyển dụng, yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; chính sách lao động, việc làm cho người học.
2. Tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và một số kỹ năng làm việc khác.
3. Tư vấn việc làm cho người học lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực, nguyện vọng; kết nối với đơn vị sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người học.
4. Các nội dung tư vấn việc làm khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 20.1.TT.87.10. Hình thức triển khai công tác tư vấn việc làm
1. Tổ chức chương trình, ngày hội tư vấn việc làm, tuyển dụng của doanh nghiệp, các hoạt động tư vấn việc làm kết nối người học với đơn vị sử dụng lao động.
2. Tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và kỹ năng làm việc khác thông qua hoạt động câu lạc bộ, các hội thảo, diễn đàn, lớp đào tạo, hoạt động ngoại khóa, tham quan, thực tập trải nghiệm tại đơn vị sử dụng lao động.
3. Tổ chức thông tin, tư vấn việc làm cho người học thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.
4. Hướng dẫn người học khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về thị trường lao động, đánh giá kỹ năng, thái độ, khả năng thích ứng với thị trường lao động.
5. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20.1.TT.87.11. Mục đích
1. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
2. Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, hỗ trợ người học khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
3. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; tăng cường nguồn lực xã hội hóa, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và tự tạo việc làm của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Điều 20.1.TT.87.12. Hỗ trợ khởi nghiệp
1. Tuyên truyền, giáo dục cho người học nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tự tạo việc làm; cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của nhà nước; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài.
2. Đào tạo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.
3. Xây dựng các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân vào công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.
4. Xây dựng chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ người học hình thành, hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân.
5. Hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite.
6. Các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 20.1.TT.87.13. Hình thức triển khai công tác hỗ trợ khởi nghiệp
1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp cho người học thông qua các hoạt động giáo dục; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.
2. Tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học giáo dục nghề nghiệp.
3. Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học.
4. Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.
5. Thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp.
6. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của người học với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp.
7. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20.1.TT.87.14. Kinh phí và quản lý, sử dụng kinh phí
1. Kinh phí thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; từ nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, đề án khác liên quan; nguồn thu hoạt động sự nghiệp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn có liên quan. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh phí thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp được chi từ nguồn thu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp có thể huy động các nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
Và một số điều còn lại khác của Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH như: Điều 20.1.TT.87.15. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Điều 20.1.TT.87.16. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Điều 20.1.TT.87.17. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Điều 20.1.TT.87.18. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Điều 20.1.TT.87.19. Hiệu lực thi hành.”.
Còn các điều của Thông tư số 15/2022/TT-BLĐTBXH (văn bản có ký hiệu mã hóa trong danh mục văn bản có nội dung thuộc Đề mục Giáo dục nghề nghiệp là TT.88) thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thể thức chỉ gồm 02 điều với Điều 1 không có tên điều (và có ban hành kèm theo Quy chế quản lý, cấp phát Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng - sẽ được đính kèm ở cuối Điều 1 khi pháp điển) được thể hiện trong kết quả pháp điển Đề mục như sau:
Điều 20.1.TT.88.1.
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế quản lý, cấp phát Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng.
Điều 20.1.TT.88.2. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2022.
2. Hiệu trưởng trường cao đẳng đủ điều kiện và được tổ chức dạy, học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật; Giám đốc trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh tham gia giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong chương trình đào tạo của các ngành, nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết.
Và các điều của Thông tư số 16/2022/TT-BLĐTBXH (văn bản có ký hiệu mã hóa trong danh mục văn bản có nội dung thuộc Đề mục Giáo dục nghề nghiệp là TT.89) thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thể thức chỉ gồm 03 điều (và có ban hành kèm theo Chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia - sẽ được đính kèm ở cuối Điều 1 khi pháp điển) được thể hiện trong kết quả pháp điển Đề mục tương tự Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH như sau: Điều 20.1.TT.89.1.; Điều 20.1.TT.89.2. Hiệu lực thi hành; Điều 20.1.TT.89.3. Trách nhiệm thi hành.
Phùng Thị Hương

Các tin khác

Cập nhật QPPL mới của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trợ hoạt động tố tụng vào Đề mục Xử lý vi phạm hành chính Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 64/2022/NĐ-CP ngày 15/9/2022 và Thông tư số 13/2022/TT-BGTVT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vào Đề mục Hàng không dân dụng Việt Nam Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 của Chính phủ vào Đề mục Tổ chức Chính phủ Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 61/2022/NĐ-CP ngày 12/09/2022 của Chính phủ vào Đề mục Tổ chức Chính phủ Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL ngày 04/8/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin vào đề mục Thư viện Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào Đề mục Viên chức Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 08/2022/TT-BTNMT ngày 05/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vào Đề mục Khí tượng thuỷ văn Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 48/2022/TT-BTC ngày 03/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính vào Đề mục Phí và lệ phí
Chung nhan Tin Nhiem Mang