Chính phủ chỉ đạo “đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Sign In

Tin hoạt động

Chính phủ chỉ đạo “đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Ngày 01/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo phải “đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.

Ngày 16/4/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước. Theo đó, Bộ pháp điển được cấu trúc gồm 45 chủ đề. Trong đó, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 265 đề mục thuộc 45 chủ đề theo Quyết định số 843/QĐ-TTg, ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ). Trong mỗi đề mục có thể có các phần, chương, mục, điều, khoản, điểm và nội dung các QPPL được đưa vào bởi các văn bản sử dụng để pháp điển. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất thuộc đề mục.
Đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 67/265 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua 36 đề mục (Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017); Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ xem xét, thông qua thêm 31 đề mục - đạt hơn 300% so với lộ trình đề ra. Theo Kế hoạch công tác, các bộ, ngành đang thực hiện pháp điển và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 thêm khoảng 50 đề mục. Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” (phấn đấu hoàn thành vào năm 2021). Qua việc pháp điển 67/265 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 2 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định đang còn hiệu lực.
Có thể thấy rằng, thông qua công tác pháp điển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương được rà soát, làm “sạch”, phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp và thậm chí là trái pháp luật để xử lý và tập hợp, sắp xếp vào Bộ pháp điển, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Bộ pháp điển là văn bản duy nhất chứa đựng đầy đủ các QPPL ở Trung ương đang còn hiệu lực. Bộ pháp điển là công cụ quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức trong xã hội tìm kiếm, khai thác, sử dụng, tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước quản lý hệ thống các QPPL đang còn hiệu lực.
Ngay sau khi Chính phủ thông qua kết quả pháp điển đối với 36 đề mục, Bộ Tư pháp đã kịp thời cập nhật vào Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng đồng thời thực hiện một số hoạt động nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống như: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển. Tổ chức 03 Hội nghị, Tọa đàm về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển trong các lĩnh vực: Đầu tư; Đất đai; Doanh nghiệp. Có văn bản gửi tổ các bộ, ngành, địa phương nhằm giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Qua theo dõi, Bộ Tư pháp thấy rằng Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Điều đó có thể được chứng minh qua việc đến nay đã có hơn 1 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình có khoảng gần 3 nghìn lượt truy cập mỗi ngày).
Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển hiệu quả hơn nữa đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành như: Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện pháp điển theo quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu kết quả pháp điển đối với các đề mục thuộc phạm vi lĩnh vực mình phụ trách đến các đối tượng chịu sự tác động; sử dụng kết quả pháp điển các đề mục đã hoàn thành trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan mình; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển ở địa phương mình.
Về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 (sáng 25/12/2017), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thông tin đến các đại biểu tham dự về những kết quả nổi bật của công tác tư pháp nói chung trong năm 2017, trong đó, Bộ trưởng đã thông tin về sự kiện: Năm 2017, lần đầu tiên Chính phủ đã phê duyệt, thông qua kết quả pháp điển chủ đề Đất đai, 35 đề mục trong Bộ pháp điển và chính thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (http://phapdien.moj.gov.vn) để các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng miễn phí là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp. Và qua đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống, Bộ Tư pháp sẽ cùng các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ pháp điển. Đặc biệt, với vai trò và lợi ích của Bộ pháp điển, Chính phủ đã xác định việc “đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang