Họp Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Sign In

Tin hoạt động

Họp Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chiều ngày 19/4/2018, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực lao động, thương binh xã hội; ngân hàng; quốc phòng và y tế. Cuộc họp do đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, Tổ phó Tổ biên tập chủ trì cùng với sự tham dự của 18/20 thành viên của Tổ là đại diện các bộ, ngành và một số đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đại diện Tổ biên tập đã báo cáo tóm tắt quá trình soạn thảo cũng như bố cục, nội dung dự thảo Nghị định và dự thảo Quyết định. Tại Nghị quyết số 07/NQ-CP, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội; ngân hàng; quốc phòng; y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định, Quyết định phủ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:
- Các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện rà soát hiệu lực của các Nghị định, Quyết định cần được bãi bỏ trong các lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội; ngân hàng; quốc phòng; y tế và có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ bãi bỏ các Nghị định không còn được áp dụng trên thực tế cần được bãi bỏ.
- Trên cơ sở văn bản đề nghị của các bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định, Quyết định và dự thảo Tờ trình Nghị định, Quyết định theo quy định.
- Thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Quý II năm 2018 (đã được đưa vào Chương trình công tác quý II của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
 

Qua việc thực hiện pháp điển hệ thống QPPL vào 67 đề mục đã được Chính phủ thông qua bởi Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 và Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 18/01/2018 của Chính phủ, các cơ quan thực hiện pháp điển đã xác định được một số văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, ngân hàng, quốc phòng, y tế không còn được áp dụng trên thực tế và cần được bãi bỏ. Các bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rà soát, xác định được 12 Nghị định, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần bãi bỏ toàn bộ và 01 Nghị định cần bãi bỏ một phần. Các văn bản QPPL được dự kiến bãi bỏ đã được các bộ, cơ quan ngang bộ làm rõ lý do hết hiệu lực.
Ngoài ra, các đại biểu có ý kiến cho rằng không thể bãi bỏ Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vì các quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở đây quy định mang tính áp dụng tương tự theo các Quyết định 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Mà các quy định của Quyết định 290/2005/QĐ-TTg cũng không mâu thuẫn với Luật Bảo hiểm y tế hiện hành. Còn các quy định về trợ cấp mai táng đối với thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hiện nay vẫn đang được áp dụng. Hoặc Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31/12/1960 trở về trước cũng chưa thể bãi bỏ được vì hiện nay chưa có cơ sở đánh giá là không còn đối tượng điều chỉnh. Đây là văn bản quy định về chế độ, chính sách nên cần thận trọng xem xét kỹ, nêu không có cơ sở khoa học cho rằng hết đối tượng điều chỉnh thì chưa thể bãi được.
 

Kết luận cuộc họp, ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Tổ phó Tổ biên tập đánh giá cao các ý kiến góp ý từ các đại biểu tham dự cuộc họp đồng thời chỉ đạo Tổ biên tập cần tập trung nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để công tác xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực lao động, thương binh xã hội; ngân hàng; quốc phòng; y tế được tiến hành đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của các văn bản dự kiến bãi bỏ nhưng cũng phải bảo đảm tiến độ đã đặt ra./.
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang