Thẩm quyền pháp điển các Bộ, ngành
Sign In

Giới thiệu pháp điển

Thẩm quyền pháp điển các Bộ, ngành

Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật số 03/2012/UBTVQH13 ngày 16/4/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (sau đây gọi là Pháp lệnh pháp điển) quy định: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.
Thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện pháp điển không được giao tập trung cho một cơ quan cụ thể. Điều 4 Pháp lệnh pháp điển quy định các cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước (27 cơ quan). Thẩm quyền thực hiện pháp điển của các cơ quan này được quy định như sau:
I. Thẩm quyền pháp điển của các cơ quan đối với các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật.
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
2. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của mình.
3. Văn phòng Quốc hội thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành điều chỉnh những vấn đề không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của cơ quan nhà nước quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh pháp điển.
4. Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của cơ quan nhà nước quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh pháp điển.
Bên cạnh đó, tại Điều 3 Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29/4/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13/2014/TT-BTP) cũng quy định: “Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản đó hoặc có sự chuyển giao chức năng, nhiệm vụ từ cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sang cơ quan khác thì các cơ quan này phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất cơ quan thực hiện pháp điển theo nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật".
Đối với văn bản là Thông tư liên tịch, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Thông tư đó có trách nhiệm thực hiện pháp điển tất cả các quy phạm pháp luật trong Thông tư. Tuy nhiên, cũng tại Điều 4 Pháp lệnh Pháp điển có xác định nguyên tắc thứ hai là cơ quan thực hiện pháp điển đối với các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực do cơ quan mình quản lý. Do vậy, trong trường hợp pháp điển Thông tư liên tịch, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo không thực hiện pháp điển toàn bộ các nội dung trong Thông tư đó thì các cơ quan có liên quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển đối với các quy phạm pháp luật trong Thông tư điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực do cơ quan mình quản lý.
Ngoài ra, Khoản 5 Điều 7 Thông tư số 13/2014/TT-BTP quy định: “Trường hợp việc pháp điển đề mục do nhiều cơ quan thực hiện thì cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển đề mục gửi kết quả pháp điển đến cơ quan phối hợp để thực hiện pháp điển. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm thực hiện pháp điển theo quy định”. Theo đó, cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển đề mục là cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản có tên gọi được sử dụng là tên gọi của đề mục, cơ quan phối hợp thực hiện pháp điển là cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển đối với văn bản được sử dụng để pháp điển vào đề mục theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển.
II. Thẩm quyền chủ trì pháp điển đối với mỗi đề mục
Theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển, cấu trúc của Bộ pháp điển đang được xây dựng gồm 45 chủ đề, mỗi chủ đề chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực. Ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, theo đó, Bộ pháp điển chứa đựng 265 đề mục thuộc 45 chủ đề (đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định).
Tại Quyết định số 843/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phân công cụ thể cho cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển theo các đề mục, đồng thời giao cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan được phân công chủ trì để bảo đảm việc thực hiện pháp điển được thuận lợi, hiệu quả.
Cơ quan được phân công chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục có trách nhiệm tổng hợp kết quả pháp điển của các cơ quan khác đối với phần kết quả pháp điển thuộc đề mục của mình để xây dựng hồ sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định các đề mục trước khi trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển và cập nhật vào Bộ Pháp điển điện tử theo quy định.
 
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang