Công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam
Sign In

Giới thiệu pháp điển

Công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị), Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị), công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản QPPL; số lượng văn bản QPPL được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Thực tế hiện nay, chúng ta thậm chí chưa thống kê được chính xác, đầy đủ về tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đang còn hiệu lực.
Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Pháp lệnh pháp điển). Pháp lệnh pháp điển được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các quy phạm pháp luật hiện hành ở cấp trung ương, sắp xếp các quy phạm đó theo một trật tự với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.
Theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển, Bộ pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Các quy phạm pháp luật hết hiệu lực bị loại bỏ ra khỏi Bộ pháp điển và các quy phạm pháp luật mới ban hành được cập nhật vào Bộ pháp điển kịp thời.
Thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện pháp điển không được giao tập trung cho một cơ quan cụ thể. Tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển quy định các cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước (27 cơ quan). Bộ Tư pháp được giao tổ chức thẩm định các đề mục trước khi trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển.
Theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển, cấu trúc của Bộ pháp điển đang được xây dựng gồm 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45, trong đó, mỗi chủ đề chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực. Trong trường hợp cần thiết và phù hợp, Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề mới theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục, mỗi đề mục chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, theo đó, Bộ pháp điển chứa đựng 265 đề mục thuộc 45 chủ đề. Trường hợp có QPPL mới được ban hành không thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển, trên cơ sở đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và phân công cơ quan thực hiện pháp điển đề mục mới.
Để thực hiện pháp điển hết các quy phạm pháp luật hiện đang còn hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg, ngày 29/7/2014 phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023). Các cơ quan thực hiện pháp điển phải tiến hành ngay việc thực hiện pháp điển các đề mục đã được phân công tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các chủ đề của Bộ pháp điển theo lộ trình 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 08 chủ đề; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 27 chủ đề và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 10 chủ đề.
Cũng theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển, sau khi Chính phủ thông qua từng phần của Bộ pháp điển thì kết quả đó được đăng tải và duy trì thường xuyên, liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí. Đây là Cổng thông tin độc lập, đăng tải Bộ pháp điển điện tử, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động.



 

Chung nhan Tin Nhiem Mang