2. Các văn bản nào được thu thập để pháp điển?
Sign In

Hỏi và giải đáp vướng mắc

2. Các văn bản nào được thu thập để pháp điển?

     Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2013NĐ-CP quy định cơ quan thực hiện pháp điển thu thập các văn bản sau đây:
     a) Các văn bản thuộc nội dung của đề mục gồm: Văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản đó;
     b) Các văn bản có nội dung liên quan đến các văn bản quy định tại điểm a khoản này.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển đối với văn bản nào thì có trách nhiệm thu thập văn bản đó, đồng thời phải thu thập văn bản khác có nội dung liên quan đến văn bản mà cơ quan mình thực hiện pháp điển.
     Ví dụ: Thu thập văn bản để pháp điển đối với đề mục Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật gồm các văn bản sau:
    - Văn bản sử dụng để pháp điển: Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Nghị định số 63/2013NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Thông tư số 27/2013/TT-BTTTT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc xây dựng, ban hành, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Thông tư số 13/2014/TT-BTP .
     - Văn bản có nội dung liên quan: Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPVP ban hành ngày 02/12/2010; Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ban hành ngày 17/8/2011; Thông tư số 194/2012/TT-BTC ban hành ngày 15/11/2012; Thông tư số 139/2010/TT-BTC ban hành ngày 21/9/2010.
     Các văn bản được thu thập theo thứ tự ưu tiên sau: Bản gốc văn bản; bản chính văn bản; bản đăng trên Công báo; bản sao y bản chính; bản sao lục của cơ quan, người có thẩm quyền; văn bản hợp nhất; văn bản đã được rà soát, hệ thống hóa được cơ quan có thẩm quyền công bố (khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2013NĐ-CP). 
      Bên cạnh đó, Điều 157 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và có giá trị sử dụng chính thức. Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật quy định văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được sử dụng chính thức trong việc quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, hiện nay, việc pháp điển đề mục được thực hiện trên Phần mềm pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Theo đó, văn bản sử dụng để pháp điển được thu thập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Vì vậy, bên cạnh nguồn văn bản được thu thập để sử dụng pháp điển quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP, cơ quan thực hiện pháp điển có thể sử dụng văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để pháp điển.
Chung nhan Tin Nhiem Mang