Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 13/2014/TT-BTP, sau khi thu thập văn bản, cơ quan thực hiện pháp điển cần xác định văn bản đó đã được rà soát theo quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp kết quả rà soát văn bản phản ánh không cập nhật tình trạng pháp lý của văn bản hoặc văn bản chưa được rà soát thì tiến hành rà soát hoặc kiến nghị rà soát văn bản theo quy định.
Như vậy, cơ quan thực hiện pháp điển cần phải sử dụng kết quả rà soát thường xuyên theo quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. Cụ thể:
1. Trường hợp kết quả rà soát phát hiện có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế thì cơ quan thực hiện pháp điển xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Trường hợp phát hiện có quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản do mình ban hành hoặc trong văn bản liên tịch do mình chủ trì soạn thảo, thì cơ quan thực hiện pháp điển xử lý theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi sắp xếp các quy phạm pháp luật vào đề mục.
- Trường hợp phát hiện có quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong các văn bản không thuộc trường hợp nêu trên thì cơ quan thực hiện pháp điển vẫn tiến hành việc pháp điển, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trường hợp kết quả rà soát văn bản phản ánh không cập nhật tình trạng pháp lý của văn bản hoặc văn bản chưa được rà soát thì tiến hành rà soát hoặc kiến nghị rà soát văn bản theo quy định.
Việc xử lý, kiến nghị xử lý các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế không chỉ nhằm xây dựng Bộ pháp điển hoàn thiện mà còn góp phần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ cho hệ thống pháp luật. Do vậy, người trực tiếp thực hiện pháp điển cần chú trọng việc rà soát các QPPL để phát hiện các mâu thuẫn, chồng chéo và kịp thời có đề xuất phù hợp, để không làm giảm giá trị của Bộ pháp điển và chậm tiến độ thực hiện pháp điển.
3. Trường hợp văn bản đã được rà soát và kết quả rà soát không phát hiện nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế thì có thể đưa vào sử dụng để pháp điển.