Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ Kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ Kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức

Triển khai thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (Đề mục số 14 thuộc Chủ đề số 41 của Bộ pháp điển). Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục này; đồng thời Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức cũng đã được tổ chức họp thẩm định, ký xác thực theo quy định và trình Chính phủ xem xét, thông qua trong thời gian tới đây. Đây là lần đầu tiên các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức được tập hợp, mã hóa, sắp xếp theo trật tự logic, hệ thống theo thời gian và thứ bậc hiệu lực pháp lý của các quy phạm pháp luật quy định về vấn đề tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần (theo trật tự thời gian ban hành và thứ bậc hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật chứa các quy phạm pháp luật đó) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu khi có nhu cầu tìm hiểu.
          Theo đó, Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, nội dung một số thông tư được xác định là văn bản có nội dung thuộc Đề mục này có tính độc lập cao nên nếu thực hiện theo nguyên tắc pháp điển chung là đưa nội dung các điều quy định chi tiết của thông tư đó sắp xếp sau điều được quy định chi tiết của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP thì sẽ khó khăn hơn cho người tra cứu. Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có quy định về việc bổ sung phần, chương, mục (bổ sung cấu trúc trong đề mục), cấu trúc của Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức được bổ sung thêm 01 chương là Chương VI gồm có 02 mục là: Quy định chế độ lễ tang trong Công an nhân dân (Mục 1) và quy định tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng và người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý (Mục 2). Như vậy, Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức bao gồm 08 chương: Chương I – Quy định chung; Chương II – Lễ Quốc tang; Chương III – Lễ tang cấp Nhà nước; Chương IV – Lễ tang cấp cao; Chương V – Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức; Chương VI – Tổ chức Lễ tang trong Công an nhân dân và tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý; Chương VII – Điều khoản thi hành. Theo đó, Đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 04 văn bản (01 Nghị định và 03 Thông tư), cụ thể: Nghị định số 105/2012/NĐ-CP như vừa nêu; Thông tư số 15/2013/TT-BCA ngày 15/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ tang lễ trong Công an nhân dân; Thông tư số 74/2013/TT-BTC ngày 04/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định các khoản chi phí và thực hiện việc cấp, quyết toán ngân sách nhà nước phục vụ Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao; Thông tư số 86/2016/TT-BQP ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý. Do đó, nội dung cơ bản trong trong mỗi chương của Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức như sau:
Chương I gồm 11 điều là những quy định chung như về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Nguyên tắc tổ chức lễ tang (như: Phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng; hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí và Nhà nước khuyến khích việc tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương…); Hình thức lễ tang; Một số quy định khác như: Việc tổ chức tại nhà tang lễ, lễ đưa tang và lễ an táng thực hiện cùng trong một ngày (trừ Lễ Quốc tang); Thi hài người từ trần phải được khâm liệm vào linh cữu, bảo đảm vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh lây nhiễm và linh cữu được để không quá 48 (bốn mươi tám) giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức lễ an táng; Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài; Không rắc vàng mã, các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang, cũng như không đốt đồ mã tại nơi an táng; Chỉ các thành viên Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang đeo băng tang đen trên cánh tay trái.
Chương II gồm 16 điều quy định những nội dung cơ bản về Lễ Quốc tang như: Các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang; Các cơ quan đứng tên ra thông cáo về Lễ Quốc tang; Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang; Các văn bản về Lễ Quốc tang; Việc đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang; Thời gian và nghi thức để tang; Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng (Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh; An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội hoặc Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình); Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu; Vòng hoa trong Lễ viếng; Lễ viếng; Tổ chức Lễ viếng ở nước ngoài; Lễ truy điệu; Lễ đưa tang; Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ tang; Lễ hạ huyệt; Xây mộ và chi phí (Chi phí xây mộ hoặc hỏa táng, điện táng và phục vụ Lễ tang do ngân sách nhà nước cấp).
Chương III gồm 13 điều quy định những nội dung cơ bản về Lễ tang cấp Nhà nước như: Các chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước; Các cơ quan đứng tên đưa tin buồn; Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang; Các văn bản về Lễ tang cấp Nhà nước; Việc đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ tang cấp Nhà nước; Nơi tổ chức Lễ tang và nơi an táng; Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu; Vòng hoa viếng; Lễ viếng; Tổ chức cho các đoàn nước ngoài đến viếng; Lễ truy điệu, Lễ đưa tang và Lễ hạ huyệt về cơ bản tương tự như các quy định ở Lễ Quốc tang; Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ đưa tang; Xây mộ và chi phí (do ngân sách nhà nước cấp).
Chương IV gồm 13 điều tương tự như trên quy định những nội dung cơ bản về Lễ tang cấp cao.
Chương V gồm 10 điều quy định những nội dung về Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức như: Đối tượng được tổ chức Lễ tang là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao) và trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì Lễ tang không tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức; Việc đưa tin buồn; Ban Tổ chức Lễ tang (trong đó: Đối với người từ trần đang công tác, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là lãnh đạo đơn vị, tổ chức, cơ quan đang trực tiếp quản lý người từ trần. Đối với người từ trần đã nghỉ hưu, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là người đứng đầu cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn, khu phố nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú); Lời điếu (việc chuẩn bị lời điếu do cơ quan chủ quản nơi người từ trần công tác hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn, khu phố nơi người từ trần nghỉ hưu cư trú cùng gia đình tiến hành); Nơi tổ chức Lễ tang và nơi an táng căn cứ vào điều kiện của từng cơ quan, tổ chức, địa phương và nguyện vọng của gia đình người từ trần mà tổ chức Lễ tang tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình và an táng tại nghĩa trang địa phương, nghĩa trang khác hoặc hỏa táng, điện táng theo nguyện vọng của gia đình; Việc trang trí lễ đài, vòng hoa viếng; Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang và Lễ hạ huyệt; Việc trợ cấp mai táng thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Chương VI (chương được bổ sung) bao gồm 02 mục: (1) Mục 1 có 41 điều quy định chế độ lễ tang trong Công an nhân dân như: Các hình thức Lễ tang (trong đó: Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước là cán bộ công an đang giữ chức vụ hoặc thôi giữ chức vụ hoặc có cấp bậc hàm sau đây khi hy sinh, từ trần, đó là: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đại tướng Công an nhân dân; Thượng tướng Công an nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước-8-1945. Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao trong Công an nhân dân - trừ trường hợp thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước, đó là: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng và tương đương; Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Sĩ quan cấp bậc hàm Thiếu tướng trở lên; Cán bộ được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; Cán bộ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động); Trách nhiệm tổ chức Lễ tang (căn cứ vào cấp bậc, chức vụ, quá trình công tác của người hy sinh, từ trần và điều kiện cụ thể để tổ chức Lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân); Trang phục và băng tang (trong đó, về trang phục: Đối với người hy sinh, từ trần là sĩ quan Công an nhân dân thì mặc lễ phục thu đông, còn nếu không có lễ phục thì mặc trang phục thu đông hoặc trang phục xuân hè và đeo cấp hiệu, cành tùng đơn, chân đi tất; mũ kêpi đặt trên ngực, sao mũ hướng lên đầu người hy sinh, từ trần, giầy da để cạnh hai bàn chân; nếu là hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân thì mặc trang phục thu đông hoặc xuân hè và đeo cấp hiệu, phù hiệu, chân đi tất, giầy, mũ kêpi đặt như trường hợp sĩ quan; nếu là công nhân viên Công an nhân dân thì mặc thường phục. Đối với cán bộ, chiến sĩ công an dự Lễ tang: Nếu dự Lễ tang cấp Nhà nước thì mặc lễ phục Công an nhân dân theo mùa, có đội mũ; Các trường hợp còn lại thì mặc trang phục Công an nhân dân theo mùa, có đội mũ); Việc tổ chức Lễ tang (trong đó, Văn phòng Bộ và Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân là cơ quan thường trực giúp lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ được Ban Tổ chức lễ tang cấp Nhà nước phân công); Việc chủ trì tổ chức Lễ tang; Công tác chuẩn bị; Ban Tổ chức Lễ tang; Việc trang trí lễ đài; Vòng hoa tiêu biểu và vòng hoa luân chuyển; Việc đưa tin buồn, lời điếu, lời cảm ơn; Nhạc lễ phục vụ Lễ tang; Việc túc trực bên linh cữu và đơn vị danh dự; Việc sử dụng xe trong Lễ tang; Đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang; Trình tự tổ chức Lễ tang; Đối tượng được tổ chức viếng; Kinh phí tổ chức viếng; Kinh phí tổ chức viếng; Kinh phí bảo đảm (do ngân sách Bộ Công an đảm bảo). (2) Mục 2 có 32 điều quy định tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng và người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý như: Các quy định về hình thức, nghi thức tổ chức lễ tang trong Quân đội; Quy định về trang phục trong lễ tang do Quân đội chủ trì; ngoài ra có các quy định khác về tổ chức lễ tang cơ bản cũng khá chi tiết, tương tự như tổ chức lễ tang trong Công an nhân dân.
Chương VII là chương mà bên cạnh các quy định thông thường về 13 điều khoản thi hành (tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành) như các đề mục pháp điển khác còn có các quy định về chi phí và cấp, quyết toán ngân sách nhà nước phục vụ Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao gồm các quy định về: Nội dung chi và mức chi đối với Lễ Quốc tang; Nội dung chi và mức chi đối với Lễ tang cấp Nhà nước; Nội dung chi và mức chi đối với Lễ tang cấp cao; Việc cấp phát và quyết toán kinh phí.
Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức có nội dung liên quan trực tiếp đến văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực và thuộc đề mục khác cũng được chỉ dẫn trong nội dung của Đề mục Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức để người sử dụng dễ tra cứu, ví dụ: Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg ngày 20/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng và quản lý Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội./.
 
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang