Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Thuế tiêu thụ đặc biệt (Đề mục 12 Chủ đề 33. Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác) theo quy định.
Đề mục Thuế tiêu thụ đặc biệt có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội bao gồm 04 chương với 12 điều, không có thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định
03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật, 01 Nghị định và 01 Thông tư) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính và
12 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
Đề mục Thuế tiêu thụ đặc biệt có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như:
Phạm vi điều chỉnh;
Đối tượng áp dụng;
Giải thích từ ngữ. Theo đó, Chương I quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đối tượng chịu thế bào gồm: Hàng hóa: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại; Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã, hàng mã. Dịch vụ: Kinh doanh vũ trường; Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke); Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược; Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số. Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, bao gồm: Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp) và Luật Hợp tác xã; Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác; Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam; Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB. Khi bán hàng hóa, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB.
- Chương II quy định về căn cứ tính thuế. Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng được quy định như sau: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường hợp hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ phần trăm (%) so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ; Đối với hàng hóa nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm. Hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra; Đối với hàng hóa gia công là giá tính thuế của hàng hóa bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng; Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá bán theo phương thức bán trả tiền một lần của hàng hóa đó không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm; Đối với dịch vụ là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh. Giá cung ứng dịch vụ đối với một số trường hợp được quy định như sau: Đối với kinh doanh gôn là giá bán thẻ hội viên, giá bán vé chơi gôn bao gồm cả tiền phí chơi gôn và tiền ký quỹ (nếu có); Đối với kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là doanh thu từ hoạt động này trừ số tiền đã trả thưởng cho khách; Đối với kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê là doanh thu của các hoạt động kinh doanh trong vũ trường, cơ sở kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê; Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Giá tính thuế được tính bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.
- Chương III bao gồm các quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế. Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau: Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa; Có quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này chỉ thực hiện đối với hàng hoá thực tế xuất khẩu. Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng nguyên liệu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu sản xuất. Việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.mĐối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm:mHàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, được tái xuất ra nước ngoài; Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật; Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số hàng thực tế tái xuất khẩu; Hàng nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài; Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc để phục vụ công việc khác trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật và đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế. Trường hợp hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu, nếu đã thực tái xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số hàng thực tế đã tái xuất. Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hóa thực tế xuất khẩu. Thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt: Thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu quy định về hoàn thuế nhập khẩu tại Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như quy định về hoàn thuế nhập khẩu tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trường hợp tờ khai nhập khẩu có tiền thuế nhập khẩu, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đề nghị hoàn thì hồ sơ hoàn thuế nhập khẩu đồng thời là hồ sơ hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt. Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có số thuế tiêu thụ đặc biệt nộp thừa. Việc hoàn thuế quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 8 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: Hoàn thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Hoàn thuế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Hoàn thuế trong trường hợp số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp lớn hơn số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo quy định của pháp luật.
- Chương IV quy định về điều khoản thi hành như:
Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Thuế tiêu thụ đặc biệt đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt. Các quy định đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật./.