Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Ngoại giao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (Đề mục 3 Chủ đề 23. Ngoại giao, điều ước quốc tế). Đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Ngoại giao sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Bộ Ngoại giao xác định Đề mục có 01 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Ngoại giao) và 49 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, gồm 07 chương với 29 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định.
Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Các hành vi bị cấm đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Cơ sở dữ liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
- Chương II quy định về Thẩm quyền cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, đình chỉ, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký, địa bàn và lĩnh vực hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thời hạn Giấy đăng ký như: Thẩm quyền cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, đình chỉ, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký (Bộ Ngoại giao là cơ quan cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, đình chỉ, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký của tổ chức phi chính phủ nước ngoài); Địa bàn và lĩnh vực hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài (1. Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động tại địa bàn và theo lĩnh vực quy định trong Giấy đăng ký; 2. Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được đặt 01 Văn phòng đại diện tại một trong ba địa điểm là thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; 3. Văn phòng đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài không đặt tại trụ sở các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam); Thời hạn Giấy đăng ký (1. Giấy đăng ký hoạt động có thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày cấp. Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện có thời hạn không quá 05 năm kể từ ngày cấp. Thời hạn của Giấy đăng ký không vượt quá thời hạn đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật của nơi thành lập; 2. Giấy đăng ký được gia hạn với thời hạn tương ứng với từng loại và không vượt quá thời hạn đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật của nơi thành lập).
- Chương III gồm 02 mục quy định về Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động như: Điều kiện cấp Giấy đăng ký hoạt động; Trình tự, thủ tục cấp Giấy đăng ký hoạt động; Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký hoạt động; Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.
+ Mục 2 quy định về Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện như: Điều kiện cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện; Trình tự, thủ tục cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện; Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện; Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện.
- Chương IV quy định về đình chỉ, chấm dứt hoạt động và và thu hồi Giấy đăng ký đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: Đình chỉ hoạt động (1. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau: a) Tiếp tục hoạt động khi Giấy đăng ký hết hạn; b) Không hoạt động đúng lĩnh vực, địa bàn được quy định tại Giấy đăng ký; c) Sử dụng hoặc thông báo thông tin về tài khoản giao dịch không đúng với tài khoản giao dịch đã đăng ký; 2. Khi phát hiện tổ chức phi chính phủ nước ngoài có vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Ngoại giao xem xét ra quyết định đình chỉ hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên cơ sở ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức tổ chức cuộc họp hoặc gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trường hợp Bộ Ngoại giao lấy ý kiến bằng văn bản, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Bộ Ngoại giao tổng hợp, quyết định. Nếu có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp để thống nhất. Quyết định đình chỉ hoạt động được chuyển tới Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thông báo cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài; 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi có quyết định đình chỉ hoạt động, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo tới tổ chức phi chính phủ nước ngoài; 4. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ hoạt động, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có trách nhiệm khắc phục các vi phạm nêu tại quyết định đình chỉ hoạt động và thông báo kết quả khắc phục cho Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài); Chấm dứt hoạt động (1. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bị buộc chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký trong các trường hợp sau: a) Thực hiện một trong các hành vi bị cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này; b) Không có hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục sau khi được cấp Giấy đăng ký; c) Không thực hiện khắc phục vi phạm nêu tại quyết định đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 4 Điều 18 của Nghị định này; 2. Khi phát hiện tổ chức phi chính phủ nước ngoài có vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Ngoại giao xem xét ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký của tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên cơ sở ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức tổ chức cuộc họp hoặc gửi văn bản lấy ý kiến. Trường hợp Bộ Ngoại giao lấy ý kiến bằng văn bản, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Bộ Ngoại giao tổng hợp, ra quyết định. Nếu có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp để thống nhất, Quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký của tổ chức phi chính phủ nước ngoài được chuyển tới Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thông báo cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài); 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi có quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo yêu cầu chấm dứt hoạt động tới tổ chức phi chính phủ nước ngoài và thực hiện thu hồi Giấy đăng ký; 4. Trong thời hạn không quá 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến trụ sở, nhà ở, nhân viên, phương tiện làm việc, các nghĩa vụ tài chính (nếu có) và các vấn đề liên quan tới các tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam; 5. Trong trường hợp tổ chức phi chính phủ nước ngoài quyết định tự chấm dứt hoạt động, trong thời hạn không quá 60 ngày trước khi chính thức chấm dứt hoạt động, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo bằng văn bản tới Bộ Ngoại giao và Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gửi kèm theo Giấy đăng ký đã được cấp, báo cáo kiểm toán tài sản, tài chính và hoàn thành các nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam).
- Chương V quy định về Quyền và Nghĩa vụ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: Quyền của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (1. Hưởng các quyền lợi, ưu đãi về thuế, nhập khẩu hàng hóa và giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam; 2. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho mục đích triển khai các chương trình, dự án, phi dự án hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam; 3. Tiếp nhận ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam qua tài khoản theo quy định của pháp luật Việt Nam; 4. Được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam; 5. Được khen thưởng về thành tích thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; 6. Tự chấm dứt hoạt động khi không có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam); Nghĩa vụ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (1. Đăng ký và hoạt động, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam; 2. Phối hợp với các cơ quan đối tác Việt Nam triển khai hoạt động theo địa bàn và lĩnh vực đăng ký quy định tại Giấy đăng ký; 3. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy đăng ký, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo về việc mở, sử dụng hoặc thay đổi tài khoản giao dịch tại Việt Nam; 4. Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy đăng ký được cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo về kế hoạch triển khai hoạt động cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động hoặc có dự kiến hoạt động; 5. Lập báo cáo hoạt động định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến tới Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ có chức năng quản lý nhà nước hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo ngành, lĩnh vực và Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; 6. Cập nhật thông tin của tổ chức phi chính phủ nước ngoài lên cơ sở dữ liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi).
- Chương VI quy định về Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan và tổ chức liên quan như: Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trách nhiệm của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Trách nhiệm của các cơ quan đối tác Việt Nam.
- Chương VII quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Điều khoản chuyển tiếp; Trách nhiệm thi hành.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.