Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển đề mục Giáo dục đại học và đề mục Dự trữ quốc gia
Sign In

Tình hình thực hiện pháp điển

Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển đề mục Giáo dục đại học và đề mục Dự trữ quốc gia

Thực hiện Quyết định số 2285/QĐ-BTP ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển đề mục Giáo dục đại học và đề mục Dự trữ quốc gia, chiều ngày 13/9/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định các đề mục trên. Được sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng, Đ/c Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã chủ trì cuộc họp, cùng với sự tham gia của các thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Giáo dục đại học (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 13), Bộ Tài chính được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Dự trữ quốc gia (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 28).Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục trên đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể:
- Về trình tự, thủ tục pháp điển của các đề mục: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã thực hiện pháp điển các văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của cơ quan mình trên Phần mềm pháp điển và gửi các bộ, ngành liên quan để tiếp tục thực hiện pháp điển văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Các Bộ, ngành đã thực hiện pháp điển các QPPL thuộc thẩm quyền của cơ quan mình và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định theo quy định.
 

- Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa và pháp điển; rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi thực hiện pháp điển theo quy định. Theo đó, đề mục Giáo dục đại học bao gồm 99 văn bản có nội dung thuộc đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài chính; Bộ Y tế) và 19 văn bản có nội dung liên quan đến đề mục. Đề mục Dự trữ quốc gia bao gồm 40 văn bản có nội dung thuộc đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công an) và 12 văn bản có nội dung liên quan đến đề mục.
- Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, các đại biểu tham dự đánh giá vị trí của các điều trong dự thảo kết quả pháp điển của các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
- Về cấu trúc của đề mục: Xây dựng cấu trúc của đề mục dựa theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục; trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục được sửa đổi, bổ sung thì cấu trúc của đề mục được xây dựng trên cơ sở bố cục của văn bản hợp nhất. Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì ghi chú về nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ, số, ký hiệu và thời điểm có hiệu lực của văn bản hủy bỏ, bãi bỏ. Theo đó, đề mục Giáo dục đại học có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012 của Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật số 74/2014/QH13 Giáo dục nghề nghiệp và Luật số 97/2015/QH13 Phí và lệ phí (gồm 12 chương với 73 điều). Ngoài ra, trong quá trình thực hiện pháp điển, Cơ quan thực hiện pháp điển đã bổ sung thêm cấu trúc phù hợp và bảo đảm theo quy định (Bổ sung Mục 3 (Trường đại học dân lập) thuộc Chương II (Tổ chức cơ sở giáo dục đại học) và bổ sung Chương XII (Kinh phí bảo đảm cho công tác giáo dục đại học). Đề mục Dự trữ quốc gia có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Dự trữ quốc gia bảo số 22/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội gồm 06 chương với 66 điều. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện pháp điển, Cơ quan thực hiện pháp điển đã bổ sung thêm cấu trúc phù hợp và bảo đảm theo quy định (Bổ sung Chương VI. Hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia và xử lý các khoản nợ dự trữ quốc gia tồn đọng).
Tại cuộc họp, về cơ bản các thành viên Hội đồng thẩm định ghi nhận và đánh giá cao quá trình cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 02 đề mục. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát danh mục văn bản có nội dung thuộc đề mục và văn bản có nội dung liên quan đến đề mục để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ của các QPPL trong quá trình thực hiện pháp điển đề mục Giáo dục đại học và đề mục Dự trữ quốc gia.
 

Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên của Hội đồng, đồng chí Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định: Kết quả pháp điển 02 đề mục trên bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Tuy nhiên, các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề, trình Chính phủ thông qua theo quy định./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang