Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về tiếp cận thông tin
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Tiếp cận thông tin (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 32). Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Tiếp cận thông tin và đã được thẩm định thông qua theo quy định. Đề mục Tiếp cận thông tin có cấu trúc gồm 05 chương (theo cấu trúc của Luật Tiếp cận thông tin) với 72 Điều. Theo đó, đề mục Tiếp cận thông tin được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 04 văn bản, cụ thể như sau: Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định 13/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin; Thông tư 46/2018/TT-BTC Quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật tiếp cận thông tin; Thông tư 64/2018/TT-BQP Quy định thực hiện cung cấp thông tin trong Bộ Quốc phòng.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Tiếp cận thông tin” như sau:
- Chương I gồm 30 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin (Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin); Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Nguyên tắc cung cấp thông tin; Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin (Công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật này. Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ. Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác); Thông tin công dân được tiếp cận (Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật này; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật này); Thông tin công dân không được tiếp cận (Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này. Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ); Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện (Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này); Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; Phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin; Đầu mối cung cấp thông tin theo yêu cầu; Đầu mối công khai thông tin; Cách thức tiếp cận thông tin; Các hành vi bị nghiêm cấm (Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin); Chi phí tiếp cận thông tin; Kinh phí bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin và chi phí tiếp cận thông tin; Chi phí cung cấp thông tin; Thu, nộp chi phí để in, sao, chụp và gửi thông tin; Lập dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho việc in, sao, chụp và gửi thông tin; Giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; Xử lý vi phạm; Áp dụng pháp luật về tiếp cận thông tin.
- Chương II gồm 06 điều quy định về công khai thông tin như: Thông tin phải được công khai (Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước. Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính. Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước. Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước. Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ. Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn. Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nướ. Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động. Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành. Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học. Danh mục thông tin phải công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật này; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin. Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng. Thông tin về thuế, phí, lệ phí. Thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật); Các hình thức công khai thông tin (Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đăng Công báo. Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác. Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định); Công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; Công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng; Đăng Công báo, niêm yết; Xử lý thông tin công khai không chính xác.
- Chương III gồm 11 điều quy định về cung cấp thông tin theo yêu cầu như: Thông tin được cung cấp theo yêu cầu; Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin (Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin. Gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin); Các mẫu phiếu sử dụng trong cung cấp thông tin theo yêu cầu (Mẫu Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Mẫu Phiếu tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin. Mẫu Phiếu giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin. Mẫu Thông báo gia hạn yêu cầu cung cấp thông tin. Mẫu Thông báo từ chối yêu cầu cung cấp thông tin); Hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu (Trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin. Qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax); Tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin; Giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin; Từ chối yêu cầu cung cấp thông tin (Cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau đây: Thông tin quy định tại Điều 6 của Luật này; thông tin không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 7 của Luật này; Thông tin được công khai theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này; Thông tin được yêu cầu không thuộc trách nhiệm cung cấp; Thông tin đã được cung cấp hai lần cho chính người yêu cầu, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng; Thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan; Người yêu cầu cung cấp thông tin không thanh toán chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax); Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin; Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử; Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax.
- Chương IV gồm 16 điều quy định về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân như: Biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân (Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo quy định của Chính phủ. Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng. Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin. Bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan. Củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê; trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan nhà nước và qua mạng điện tử); Trang bị phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho việc cung cấp thông tin; Địa điểm tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin; Trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Lập Danh mục, phân loại, cập nhật thông tin; Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tạo ra thông tin; Rà soát, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp; Trách nhiệm của đơn vị đầu mối cung cấp thông tin (Bố trí người làm đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin. Tiếp nhận, xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện cung cấp thông tin cho công dân theo yêu cầu. Giải thích, hướng dẫn, thông báo cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo đúng trình tự, thủ tục; hướng dẫn, hỗ trợ người yêu cầu xác định rõ hồ sơ, tài liệu, tên văn bản có chứa thông tin cần tìm kiếm để điền đầy đủ, chính xác vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Tiếp nhận, trả lời hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân về việc cung cấp thông tin của cơ quan mình theo quy định của pháp luật có liên quan; kiến nghị, đề xuất với người đứng đầu cơ quan về các vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin cho công dân. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; tổng hợp tình hình, kết quả công tác cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan; báo cáo định kỳ và đột xuất tới người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin. Bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người không biết chữ, người khuyết tật, người gặp khó khăn khác trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; trường hợp người yêu cầu không thể viết Phiếu yêu cầu thì giúp điền Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin); Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối cung cấp thông tin; Trách nhiệm của người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin; Trách nhiệm của người làm nhiệm vụ cung cấp thông tin; Xây dựng Chuyên mục về tiếp cận thông tin thuộc Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành, theo dõi, đôn đốc, báo cáo tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; Chế độ báo cáo; Trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
- Chương V gồm 09 điều quy định về điều khoản thi hành như: Điều khoản áp dụng; Cung cấp thông tin theo yêu cầu cho công dân thông qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp; Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành;
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Tiếp cận thông tin đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về tiếp cận thông tin đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến tiếp cận thông tin được pháp điển vào đề mục khác thì cũng được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Phùng Thị Hương