Cập nhật nội dung các quy định của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/03/2020 của Chính phủ vào đề mục Thi hành án dân sự
Ngày 17 tháng 3 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự (Nghị định này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2020). Nghị định số 33/2020/NĐ-CP gồm 05 điều, trong đó nội dung chính tập trung ở Điều 1 (với 17 khoản quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) và Điều 2 của Nghị định này (quy định bãi bỏ điểm ba khoản 2 Điều 64 tại Nghị định số 62/2012/NĐ-CP).
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp, https://moj.gov.vn), Nghị định số 33/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm tập trung giải quyết những quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế, thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan, bổ sung kịp thời những quy định chưa rõ hoặc còn thiếu, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để tổ chức thi hành án hiệu quả và tạo thuận lợi và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; bảo đảm và tăng cường nguyên tắc người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính nói chung và thi hành án dân sự nói riêng.
Căn cứ theo nguyên tắc của kỹ thuật pháp điển quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện cập nhật, pháp điển bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung đối với các quy định được sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP theo quy định tại Điều 1 và Điều 3, 4, 5 của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP vào đề mục Thi hành án dân sự (đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 30 của Bộ pháp điển), đối với quy định tại Điều 2 của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP thì thực hiện gỡ bỏ nội dung tại điểm b khoản 2 Điều 64 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP bị bãi bỏ và thực hiện ghi chú theo quy định. Theo đó, các điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được mã hóa, pháp điển vào đề mục có nội dung được sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau: Điều 30.2.NĐ.1.3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự; Điều 30.2.NĐ.1.4. Thời hiệu yêu cầu thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.5. Thỏa thuận thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.6. Chủ động ra quyết định thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.7. Ra quyết định thi hành án theo yêu cầu; Điều 30.2.NĐ.1.9. Xác minh điều kiện thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.12. Thông báo về thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.13. Áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.16. Thực hiện ủy thác thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.17. Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.24. Kê biên tài sản để thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.27. Bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án (trong đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều này đáng chú ý như: Trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản được đấu giá để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất. Trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại. Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; Và quy định: Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác); Điều 30.2.NĐ.1.49. Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án (trong đó có nội dung sửa đổi đáng lưu ý tại điểm a khoản 5 Điều này như sau: Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc 01 năm, kể từ ngày thông báo đối với trường hợp thu được tiền sau thời điểm 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người được thi hành án không đến nhận thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định sung công quỹ nhà nước và chuyển nộp số tiền, tài sản đó vào Ngân sách Nhà nước); Điều 30.2.NĐ.1.50. Tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.51. Việc xuất cảnh của người phải thi hành án; Điều 30.2.NĐ.1.66. Thẩm tra viên (cụ thể là quy định tại khoản 3 Điều này "Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm tra viên sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ"; Điều 30.2.NĐ.1.71. Thư ký thi hành án (cụ thể là quy định tại khoản 2 Điều này "Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của Thư ký thi hành án sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.”) – lý do có nội dung sửa đổi này so với Điều 66, Điều 67 trước đây tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là do thẩm quyền quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, mã số ngạch Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chưa phù hợp với Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.
Trong đó, một trong những quy định cũng rất đáng lưu ý của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP chính là nội dung quy định tại Điều 3 Nghị định này (Điều 30.2.NĐ.1.86. Quy định chuyển tiếp trong đề mục Thi hành án dân sự): Đối với việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc chưa thi hành xong trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận; các thủ tục thi hành án tiếp theo được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định này./.
Huỳnh Hữu Phương