Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong đề mục “Cơ yếu”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và đóng dấu theo quy định. Dự kiến trong tháng 11/2016, Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề để trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 05 chương, 169 điều, được pháp điển từ 09 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Luật Cơ yếu; Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 08/05/2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước; Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16/04/2013 của Chính phủ hướng dẫn Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu; Thông tư số 08/2008/TT-BNV ngày 17/11/2008 của Bộ Nội vụ hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự; Thông tư liên tịch số 08/2014/TTLT-BQP-BTC-BYT ngày 14/02/2014 của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần và chế độ chăm sóc y tế đối với người làm công tác cơ yếu; Thông tư liên tịch số 11/2014/TTLT-BQP-BNV -BLĐTBXH-BTC ngày 05/03/2014 của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc, hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Thông tư số 05/2015/TT-BQP ngày 16/01/2015 của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng; định mức sử dụng điện năng tại các kho, khu kỹ thuật; tiêu chuẩn, trang bị máy phát điện đối với các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu và doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu; Thông tư số 116/2015/TT-BQP ngày 01/10/2015 của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với học viên cơ yếu.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Cơ yếu” như sau:
- Chương I gồm 35 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định trong đề mục này; Giải thích từ ngữ; Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu; Chính sách của Nhà nước về hoạt động nghiên cứu mật mã dân sự, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; Trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu (Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu, Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện quản lý về cơ yếu thuộc phạm vi mình phụ trách, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu theo sự phân cấp của Chính phủ); Trách nhiệm giúp đỡ lực lượng cơ yếu; Bảo vệ bí mật sản phẩm mật mã, thông tin trong hoạt động cơ yếu; Mã hoá thông tin bí mật nhà nước; Kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cơ yếu; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 29 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Hoạt động khoa học và công nghệ mật mã, chuyển giao công nghệ mật mã; Sản xuất và cung cấp sản phẩm mật mã; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Trình tự, thủ tục cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Hồ sơ xin cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự; Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bồi thường thiệt hại; Nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ phục vụ nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mật mã; Xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã; Quy chuẩn kỹ thuật và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm mật mã dân sự; Áp dụng quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hoá đối với kết quả nghiên cứu mật mã dân sự; Kiểm định, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự; Trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự đối với việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; Nội dung quản lý nhà nước về mật mã dân sự; Triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu; Triển khai sản phẩm mật mã bảo vệ thông tin bí mật nhà nước lưu giữ trong các thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông; Bảo đảm an toàn mật mã trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm.
- Chương III gồm 04 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu (Lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân); Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ (Tham mưu, đề xuất để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chiến lược, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về cơ yếu. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về cơ yếu; Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng tổ chức cơ yếu thống nhất, chặt chẽ, xây dựng lực lượng cơ yếu trong sạch, vững mạnh, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; Tổ chức xây dựng và thống nhất quản lý hệ thống mạng liên lạc cơ yếu; quản lý, kiểm soát việc sử dụng các loại sản phẩm mật mã trong cả nước; Trình Chính phủ quy định về tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Cơ yếu Chính phủ. Tổ chức, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật mật mã trong toàn ngành cơ yếu. Tổ chức nghiên cứu và thống nhất quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan quản lý việc nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động nghi ên cứu, sản xuất sản phẩm mật mã. Thống nhất quản lý và bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật mật mã cho hoạt động cơ yếu trong phạm vi cả nước; sản xuất, cung cấp sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng cơ yếu chính quy, hiện đại. Bảo đảm tính sẵn sàng của hệ thống mạng liên lạc cơ yếu và lực lượng dự bị, nguồn dự trữ sản phẩm mật mã để ứng phó có hiệu quả trong mọi tình huống. Thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đầu mối kế hoạch đầu tư và ngân sách trực thuộc trung ương; trực tiếp quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra việc mã hoá thông tin bí mật nhà nước. Tổ chức bảo vệ bí mật sản phẩm mật mã và các thông tin bí mật nhà nước khác trong hoạt động cơ yếu. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp dịch vụ bảo mật và an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cơ yếu theo quy định của pháp luật.Hợp tác quốc tế về cơ yếu. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra (Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra về hoạt động nghiên cứu mật mã dân sự, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự. Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu mật mã dân sự, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thanh tra); Tổ chức của lực lượng cơ yếu (Ban Cơ yếu Chính phủ; Cơ yếu các bộ, ngành bao gồm: Hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân; Hệ thống tổ chức cơ yếu Công an nhân dân; Hệ thống tổ chức cơ yếu Ngoại giao;Hệ thống tổ chức cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương và địa phương).
- Chương IV gồm 64 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Nghĩa vụ, trách nhiệm của ng ười làm việc trong tổ chức cơ yếu; Tuyển chọn người vào tổ chức cơ yếu; Tiêu chuẩn người làm công tác cơ yếu; Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu; Biệt phái người làm công tác cơ yếu; Thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã; Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu hy sinh, từ trần; Đối với người làm công tác cơ yếu hy sinh, từ trần; Chế độ phụ cấp đặc thù cơ yếu; Chế độ, chính sách khác; Chế độ, chính sách đối với người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu; Nguyên tắc bảo đảm; Phương thức bảo đảm; Tiêu chuẩn ăn; Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng; Tiêu chuẩn trang phục; Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu chuyển sang làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu; Chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi; Hồ sơ và thẩm quyền giải quyết chế độ; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu chuyển ngành; Chuyển ngành được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu thôi việc; Quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người làm công tác cơ yếu khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu; Tiền lương và thời gian làm việc được tính hưởng chế độ; Tiêu chuẩn diện tích ở tập thể, làm việc, nhà ở công vụ, sinh hoạt công cộng và một số công trình phụ trợ khác trong doanh trại; Định mức sử dụng điện năng; Nguyên tắc xác định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với người làm công tác cơ yếu; Chế độ chăm sóc y tế; Chế độ nghỉ của người làm công tác cơ yếu.
- Chương V gồm 17 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ Quốc phòng: Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu; Tiếp nhận kinh phí để tổ chức bảo đảm thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu; quản lý, đăng ký, thống kê tình hình khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị hàng tháng đối với người làm công tác cơ yếu; Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức in, cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu; dự toán kinh phí bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ và kinh phí bảo đảm in, cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu. Bộ Y tế: Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức việc khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu. Bộ Tài chính: Căn cứ đề nghị của Bộ, ngành, địa phương có sử dụng người làm công tác cơ yếu, tổng hợp kinh phí, bảo đảm ngân sách thực hiện tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ, ngành, địa phương có sử dụng người làm công tác cơ yếu: Lập dự toán ngân sách hàng năm, tổ chức thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết các vướng mắc, phát sinh tại Bộ, ngành, địa phương; Lập danh sách, đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu thuộc cơ quan, đơn vị quản lý; Đăng ký nơi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y với cơ quan quân sự huyện, quận, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y theo tuyến đăng ký của người làm công tác cơ yếu; Giới thiệu con dấu và chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sử dụng người làm công tác cơ yếu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y theo tuyến điều trị.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực cơ yếu đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.