Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (Đề mục số 3 thuộc Chủ đề số 1 - An ninh quốc gia). Đến nay, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Công an thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục, ký xác thực theo quy định để gửi hồ sơ kết quả pháp điển đối với Đề mục đến Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia số 32/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Quốc hội, bao gồm 05 chương với 24 điều, không có thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh.
Theo đó, Đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và 03 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành,cụ thể: Nghị định 126/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Quyết định 45/2012/QĐ-TTg Về tiêu chí xác định công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Thông tư 72/2009/TT-BCA Quy định cụ thể thi hành Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia do Bộ Công an chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Nguyên tắc bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Nhiệm vụ bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Kinh phí bảo đảm hoạt động bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Những hành vi bị nghiêm cấm, Xử lý vi phạm.
Trong đó các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định về: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Tổ chức lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình; Trách nhiệm của nhân viên bảo vệ thuộc lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình; Bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình; Trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận, biển hiệu của lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình; Trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; Kinh phí bảo đảm hoạt động bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ và đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
- Chương II quy định về xác định công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia: Tiêu chí xác định công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Trình tự, thủ tục thẩm định và thẩm quyền quyết định danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Cơ quan thẩm định công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Trong đó các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định về: Tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Tiêu chí xác định danh mục các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Lập hồ sơ đề nghị đưa công trình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào và đưa ra khỏi danh mục công trình; Trình tự thẩm định hồ sơ đề nghị đưa công trình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Đưa công trình ra khỏi danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị đưa công trình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định.
- Chương III quy định về lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia: Thẩm quyền quyết định tổ chức lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Tiêu chuẩn người làm công tác bảo vệ của lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
- Chương IV quy định về quản lý nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia: Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Trong đó các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định về: Nội dung bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Bảo vệ công trình; Bảo vệ công trình khi quy hoạch, thiết kế, xây dựng, cải tạo nâng cấp; Bảo vệ công trình khi vận hành khai thác; Quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chương V quy định về trách nhiệm thi hành, hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện của Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Như vậy, việc pháp điển đề mục Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và khi Chính phủ thông qua kết quả pháp điển đề mục thì kết quả đó được đăng tải và duy trì thường xuyên, liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí. Đây là Cổng thông tin độc lập, đăng tải Bộ pháp điển, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động. Như vậy, Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước được xây dựng và duy trì dưới hình thức là một Bộ pháp điển điện tử, đây là một hình thức tiên tiến, tiết kiệm và rất phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt của Bộ pháp điển trước những thay đổi thường xuyên của hệ thống pháp luật trong giai đoạn phát triển như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ pháp điển là kết quả của việc thực hiện pháp điển trong khuôn khổ khoản 2 Điều 93 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 nên không có giá trị pháp lý thay thế các văn bản gốc được pháp điển. Tuy nhiên, do các quy phạm pháp luật được pháp điển đã được rà soát, bảo đảm còn hiệu lực và đầy đủ, lại có chỉ dẫn cụ thể nên Bộ pháp điển có tác dụng rất lớn, có giá trị sử dụng tin cậy trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Mặt khác, Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, do Nhà nước giữ bản quyền. Qua đó, Bộ pháp điển sẽ góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Điều này xuất phát từ hai yếu tố cơ bản: (1) Bộ pháp điển chỉ bao gồm các quy định do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành đang có hiệu lực, do đó, người dân có thể tin tưởng rằng tất cả các quy định do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành đang có hiệu lực đều nằm trong Bộ pháp điển; (2) khi cần tìm hiểu để áp dụng pháp luật trong một lĩnh vực nhất định, về cơ bản, người dân chỉ cần tìm hiểu các quy định trong các chủ đề, đề mục nhất định của Bộ pháp điển. Qua đó, Bộ pháp điển góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Phùng Thị Hương