Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong đề mục “Tương trợ tư pháp”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực theo quy định và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 07 chương (72 Điều) theo cấu trúc của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và được pháp điển từ 06 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: (1) Luật 08/2007/QH12 Tương trợ tư pháp; (2) Nghị định 92/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp; (3) Thông tư 144/2012/TT-BTC Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác tương trợ tư pháp; (4) Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG Hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự; (5) Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC Quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; (6) Thông tư 203/2016/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự có yếu tố nước ngoài.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Tương trợ tư pháp” như sau:
- Chương I gồm 09 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Áp dụng pháp luật; Nguyên tắc tương trợ tư pháp; Ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp; Uỷ thác tư pháp và hình thức thực hiện tương trợ tư pháp; Hợp pháp hóa lãnh sự và việc công nhận giấy tờ, tài liệu ủy thác tư pháp; Triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định; Việc giao nhận tài liệu, đồ vật và tiền.
- Chương II gồm 07 điều quy định về tương trợ tư pháp về dân sự như: Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự; Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự; Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự; Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự; Thủ tục yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự; Thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài; Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
- Chương III gồm 15 điều quy định về tương trợ tư pháp về hình sự như: Phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; Hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự; Văn bản ủy thác tư pháp về hình sự; Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự; Từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự của nước ngoài; Thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài; Thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về hình sự của nước ngoài; Tống đạt giấy triệu tập người làm chứng, người giám định; Dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù để cung cấp chứng cứ; Cung cấp thông tin; Việc sử dụng thông tin, chứng cứ trong tương trợ tư pháp về hình sự; Yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự; giao hồ sơ, vật chứng của vụ án cho nước ngoài; Xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam; Thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài về điều tra đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam; Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.
- Chương IV gồm 17 điều quy định về dẫn độ như: Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án; Trường hợp bị dẫn độ; Không truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ cho nước thứ ba; Từ chối dẫn độ cho nước ngoài; Hồ sơ yêu cầu dẫn độ; Văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo; Tiếp nhận yêu cầu dẫn độ; Xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người; Quyết định dẫn độ; Các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ; Thi hành quyết định dẫn độ; Áp giải người bị dẫn độ; Hoãn thi hành quyết định dẫn độ và dẫn độ tạm thời; Dẫn độ lại; Chuyển giao đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án; Quá cảnh; Chi phí về dẫn độ.
- Chương V gồm 12 điều quy định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù như: Căn cứ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Từ chối chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và tài liệu kèm theo; Tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài; Thẩm quyền quyết định tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; Thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Tiếp tục chấp hành hình phạt tại Việt Nam Áp giải người được chuyển giao; Chi phí về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
- Chương VI gồm 10 điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động tương trợ tư pháp như: Trách nhiệm của Chính phủ trong hoạt động tương trợ tư pháp; Trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao; Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; Trách nhiệm của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; Trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Trách nhiệm của cơ quan điều tra.
- Chương VII gồm 02 điều quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Hướng dẫn thi hành của các văn bản sử dụng pháp điển vào đề mục.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Tương trợ tư pháp còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực tương trợ tư pháp đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần hoàn hiện, nâng cao hệ thống pháp luật.