Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành quy định về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục "Theo dõi tình hình thi hành pháp luật" (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 44 – Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật). Trên cơ sở Kế hoạch số 1286/KH-BTP ngày 18/4/2017 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với 06 đề mục (Dân sự; Thủ đô; Tương trợ tư pháp; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính), Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - đơn vị được giao chủ trì thực hiện pháp điển đối với 06 đề mục nêu trên) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong Đề mục “Theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Đến nay, Đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực theo quy định và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh pháp điển, việc xây dựng cấu trúc của một đề mục dựa theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục và trường hợp cần thiết, cơ quan thực hiện có thể bổ sung cấu trúc (phần, chương, mục). Theo đó, Đề mục "Theo dõi tình hình thi hành pháp luật" có cấu trúc gồm 06 chương (trong đó 05 chương là theo cấu trúc của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012 – hiện tại là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của Đề mục; bổ sung thêm 01 chương vào cấu trúc Đề mục) và Đề mục này được pháp điển từ 07 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: (1) Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (2) Thông tư 25/2011/TT-BCT ngày 30/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương; Thông tư 35/2013/TT-BCT ngày 26/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2011/TT-BCT ngày 30/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương; (3) Thông tư 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (4) Thông tư 169/2014/TT-BQP ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; (5) Thông tư 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (6) Thông tư 06/2015/TT-TTCP ngày 21/10/2015 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ; (7) Thông tư 21/2016/TT-BGTVT ngày 25/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục này như sau:
- Chương I bao gồm 10 điều quy định về những vấn đề chung trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Mục đích theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Các nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Các hình thức tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật của tổ chức, cá nhân; Bảo đảm sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Chương II bao gồm 09 điều quy định cụ thể về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật như: Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Xem xét, đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Xem xét, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết; Xem xét, đánh giá tính khả thi của văn bản quy định chi tiết; Xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; Xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật.
- Chương III bao gồm 07 điều quy định về hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật như: Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật; Tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; Xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Chương IV bao gồm 12 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật như: Trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm về xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; trách nhiệm về báo cáo tình hình thi hành pháp luật; Các mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu để tổng hợp số liệu kèm theo; Kỳ báo cáo, thời điểm lấy số liệu và thời điểm gửi báo cáo; Hình thức báo cáo và phương thức gửi báo cáo; Nội dung báo cáo; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Chương V (là chương được bổ sung theo kỹ thuật pháp điển như đã nêu ở trên) bao gồm 44 điều quy định về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các bộ, ngành (trong đó, cụ thể đã có 04 Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành Thông tư có quy định về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó) và kết cấu Chương V chia thành 04 mục (các nội dung quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp của mỗi Thông tư tương ứng thành 01 mục) như sau:
Mục 1 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Công Thương (với các quy định như trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Công Thương; nội dung đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; nội dung đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật; cách thức theo dõi thi hành pháp luật; thu thập thông tin về thi hành pháp luật; kiểm tra thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát thi hành pháp luật và xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật).
Mục 2 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Quốc phòng (với các quy định từ quy định chung như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đến các quy định cụ thể hơn như: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; Xem xét, đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; Xem xét, đánh giá về tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật và xem xét, đánh giá tính khả thi của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; Xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng và xem xét, đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị và cá nhân; Tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; Trách nhiệm của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế cơ quan, đơn vị; Trách nhiệm của cơ quan quân sự các cấp; Các báo cáo: Báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất).
Mục 3 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Thanh tra Chính phủ (với các quy định như: Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật; Trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật; Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật).
Mục 4 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Giao thông vận tải (cũng với các quy định chính như: Trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật; Về báo cáo theo dõi thi hành pháp luật).
- Chương VI (Điều khoản thi hành) bao gồm 06 điều là các quy định về hiệu lực thi hành và kinh phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, trong Đề mục "Theo dõi tình hình thi hành pháp luật", có những quy định được chỉ dẫn đến một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác có nội dung liên quan trực tiếp để giúp tổ chức, cá nhân được thuận tiện hơn khi tiếp cận, tra cứu áp dụng.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc triển khai thực hiện pháp điển Đề mục "Theo dõi tình hình thi hành pháp luật", lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương ban hành và góp phần hoàn hiện hệ thống pháp luật nước ta.
Huỳnh Hữu Phương