Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành quy định về lý lịch tư pháp
Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong Đề mục "Lý lịch tư pháp" (Đề mục số 4 thuộc Chủ đề số 15 – Hành chính tư pháp). Đến nay, Đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Theo đó, Đề mục "Lý lịch tư pháp" có cấu trúc gồm 06 chương theo cấu trúc của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và Đề mục này được pháp điển từ 05 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: (1) Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 ngày 17/6/2009; (2) Nghị định 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; (3) Thông tư 13/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp và Thông tư 16/2013/TT-BTP ngày 11/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp; (4) Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; (5) Thông tư 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục này như sau:
- Chương I bao gồm 21 điều quy định những vấn đề chung về lý lịch tư pháp như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ một số thuật ngữ trong lĩnh vực lý lịch tư pháp (Lý lịch tư pháp là gì; Thông tin lý lịch tư pháp về án tích như thế nào; Thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan nào cấp và có giá trị gì; Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là các cơ quan nào; Phần mềm chuyên dụng phục vụ hoạt động trong tiếp nhận, kiểm tra, phân loại thông tin, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp); Mục đích quản lý lý lịch tư pháp; Nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp; Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp; Trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; Đối tượng sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp; Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Các hành vi bị cấm; Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Thẩm quyền in, phát hành biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp; Bảng mã Lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, danh mục biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp, biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp; Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Chương II bao gồm 37 điều quy định về các vấn đề tổ chức, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như: Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Hoạt động phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (trong đó bao gồm các quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; trách nhiệm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; phương thức sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; yêu cầu sử dụng và khai thác hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; trách nhiệm của người làm công tác lý lịch tư pháp trong sử dụng và khai thác hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; trình tự, thủ tục sử dụng và khai thác hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; trách nhiệm của người làm công tác lý lịch tư pháp trong sử dụng và khai thác dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử; trình tự, thủ tục sử dụng và khai thác dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử); Bảo vệ, lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; sắp xếp, rà soát, thống kê hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; lưu trữ dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử); Biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Quy định chung về ghi chép, sửa chữa, đính chính thông tin trong biểu mẫu, sổ lý lịch tư pháp; Trách nhiệm bảo vệ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; Yêu cầu về bảo vệ dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử; Kiểm soát truy cập, sao lưu dự phòng dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử.
- Chương III gồm 03 Mục với 72 điều quy định về việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp và lập Lý lịch tư pháp như sau:
Mục 1 với các quy định về việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp về án tích với các quy định như: Nguồn thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của Tòa án trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của cơ quan Công an trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức khác trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Kiểm tra, phân loại, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại Sở Tư pháp; các quy định về việc bổ sung, đính chính thông tin lý lịch tư pháp và hình thức, phương thức cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích.
Mục 2 với các quy định về lập Lý lịch tư pháp và cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án tích như: Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị kết án kể từ ngày 01/7/2010 (kể từ thời điểm có hiệu lực của Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12); Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị kết án trước ngày 01/7/2010 (trước thời điểm có hiệu lực của Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12); Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 và đã được Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Lập mã số Lý lịch tư pháp; Xử lý thông tin lý lịch tư pháp của người đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ghi thông tin về án tích trong Lý lịch tư pháp; Ghi thông tin lý lịch tư pháp đối với trường hợp một người có nhiều bản án trong Lý lịch tư pháp; Gửi thông tin sau khi lập Lý lịch tư pháp; Trường hợp không lập Lý lịch tư pháp; Lập hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; Tạo lập dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp về án tích trong trường hợp miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp về án tích trong trường hợp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp chấp hành xong bản án hoặc được đặc xá, đại xá; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp trục xuất; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp đối với những bản án tiếp theo; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp người bị kết án được xoá án tích; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp công dân Việt Nam bị Toà án nước ngoài kết án; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung vào Lý lịch tư pháp điện tử; Hiệu chỉnh thông tin lý lịch tư pháp trong dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy; Ghi Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung trong trường hợp cập nhật bản án hình sự, quyết định tuyên bố phá sản tiếp theo; Ghi Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung trong trường hợp cập nhật các quyết định, giấy chứng nhận liên quan đến tình trạng thi hành án; và vấn đề xử lý thông tin lý lịch tư pháp khi tội phạm được xóa bỏ.
Mục 3 với các quy định về việc thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản như: Nguồn thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Lập Lý lịch tư pháp và cập nhật thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Thẩm quyền và nội dung lập Lý lịch tư pháp của người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Xử lý thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Xử lý thông tin lý lịch tư pháp khi hết thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Hình thức cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (việc cung cấp thông tin giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu khác; phối hợp rà soát việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân; Phối hợp xác minh, cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Phối hợp cung cấp thông tin giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu khác; Liên kết, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.
- Chương IV gồm 02 Mục với 17 điều quy định về các vấn đề liên quan đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:
Mục 1 với một số quy định cơ bản về Phiếu lý lịch tư pháp (bao gồm Phiếu lý lịch tư pháp số 1 - cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 và Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 - cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình) như: Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1; Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2.
Mục 2 với các quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp như: Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích; Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp về đương nhiên được xóa án tích sau khi có kết quả xác minh; Thẩm quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung; Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1; Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2; Tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp và việc bổ sung, đính chính, thu hồi, hủy bỏ Phiếu lý lịch tư pháp.
- Chương V gồm 04 điều quy định chung về vấn đề xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lý lịch tư pháp như: Quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Thẩm quyền giải quyết khiếu nại; Quyền tố cáo và việc giải quyết tố cáo.
- Chương VI (Điều khoản thi hành) bao gồm các quy định về hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành của các văn bản được sử dụng để pháp điển vào Đề mục này.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc triển khai thực hiện pháp điển Đề mục "Lý lịch tư pháp", lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực lý lịch tư pháp đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương ban hành.
Huỳnh Hữu Phương