Tại Hội đồng, được sự ủy quyền của Chủ nhiệm Đề tài, Ths. Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Thư ký khoa học Đề tài đã báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài. Theo đó, Đề tài đã phân tích, đánh giá khách quan, đúng thực trạng cũng như đề ra các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng của Bộ pháp điển cũng như chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, cập nhật, quản lý, duy trì, tuyên truyền về Bộ pháp điển. Cụ thể, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển, công tác pháp điển đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thậm trí có tính vượt trội. Cho đến nay, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển và trình Chính phủ thông qua 185/271 đề mục. Bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội ghi nhận và khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác pháp điển đã bộc lộ một số hạn chế dẫn đến việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển chưa thực sự hiệu quả, cụ thể như: Cấu trúc của Bộ pháp điển hiện nay có một số điểm chưa thực sự bảo đảm tính phù hợp, lôgic, thuận tiện trong tra cứu, sử dụng; việc cập nhật QPPL mới ban hành vào Bộ pháp điển chưa bảo đảm tính kịp thời, chất lượng; việc đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống chưa hiệu quả… Vì vậy, việc đổi mới công tác pháp điển hệ thống QPPL của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng Bộ pháp điển và tổ chức nghiên cứu một cách khoa học để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Bộ pháp điển là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
|
|
Đánh giá kết quả đạt được của Đề tài, Hội đồng cho rằng Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Phạm vi, nội dung nghiên cứu của Đề tài rất thiết thực. Ban Chủ nhiệm đã phân tích, đánh giá tương đối đầy đủ thực trạng của công tác pháp điển và Bộ pháp điển trên cả phương diện thể chế và phương diện hoạt động thực tiễn; chỉ ra được hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. Từ đó, Ban Chủ nhiệm đã đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả, khả thi, giải quyết được những hạn chế, khó khăn đang tồn tại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng Bộ pháp điển.
|
|
Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên của Hội đồng cũng có các ý kiến góp ý như: Ban Chủ nhiệm nghiên cứu bổ sung tổng quan tình hình nghiên cứu về bối cảnh, yêu cầu nghiên cứu của Đề tài; phân tích rõ hơn kinh nghiệm pháp điển của các nước trên thế giới; làm rõ hơn một số tiêu chí đánh giá thế nào là một Bộ pháp điển chất lượng, để từ đó đề xuất các giải pháp trước mắt (trong thời gian chưa xây dựng xong Bộ pháp điển) và các giải pháp lâu dài (sau khi Bộ pháp điển đã hoàn thành), nhằm nâng cao chất lượng công tác pháp điển và Bộ pháp điển của Việt Nam…
|
|
Trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, TS. Dương Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội đồng đã phát biểu kết luận, đánh giá cao việc thực hiện Đề tài của Ban Chủ nhiệm. Đây là công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện nghiêm túc, kết cấu Đề tài hợp lý, lôgic, có hướng tiếp cận đúng. Đề tài đã cơ bản đạt được mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Tuy nhiên, đề nghị Ban Chủ nhiệm cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để tiếp tục hoàn thiện các nội dung của Đề tài. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá xếp loại: Đạt./.