Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển để xây dựng Bộ pháp điển
Sign In

Tin hoạt động

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển để xây dựng Bộ pháp điển

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc pháp điển hệ thống QPPL, ngày 16/4/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển, ngày 27/6/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Pháp lệnh pháp điển và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định mang tính nguyên tắc về cách xác định cấu trúc chủ đề và cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển đối với các QPPL.

Tại Pháp lệnh pháp điển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quy định cấu trúc Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề. Theo đó, mỗi chủ đề chứa đựng QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực. Theo thẩm quyền được giao, ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục. Theo đó, có tổng số 265 đề mục thuộc 45 chủ đề. Đây là văn bản quan trọng nhằm xác định cấu trúc của các chủ đề và xác định trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển theo các đề mục. Trên cơ sở đó, các cơ quan cơ bản đã xác định được khối lượng công việc cần thực hiện trong thời gian tới.
Triển khai công tác pháp điển, về phần mình, Bộ Tư pháp đang tập trung thực hiện từ nay đến hết năm 2014:
- Xây dựng Đề án xây dựng Bộ pháp điển: Bộ Tư pháp đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Đề án “xây dựng Bộ pháp điển”.
- Xây dựng Trang thông tin điện tử pháp điển và phần mềm pháp điển hệ thống QPPL. Dự kiến hoàn thành Trang thông tin điện tử trong quý II/2015, hoàn thành phần mềm pháp điển trong quý IV/2015.
Theo đó, Trang thông tin điện tử pháp điển là trang thông tin độc lập, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động; là một kênh giao tiếp chính thức giữa Bộ Tư pháp, các cơ quan thực hiện pháp điển với các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các hoạt động về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Bảo đảm tích hợp, duy trì Bộ pháp điển điện tử trên Trang thông tin điện tử pháp điển; xây dựng phần mềm pháp điển dùng chung để thực hiện pháp điển tại các cơ quan thực hiện pháp điển. Phần mềm pháp điển phải bảo đảm tính bảo mật, an toàn an ninh thông tin, ngăn chặn hiệu quả các truy cập trái phép làm sai lệch thông tin; dễ triển khai, sử dụng cho tất cả các cơ quan thực hiện pháp điển và phù hợp với xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
- Xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện pháp điển hệ thống QPPL: Bộ Tư pháp đang soạn thảo và dự kiến phát hành trong tháng 10/2014.
- Tổ chức 02 Hội thảo khoa học nhằm triển khai thực hiện hiệu quả pháp luật về pháp điển hệ thống QPPL, đảm bảo thống nhất, đúng lộ trình và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thực hiện pháp điển; làm rõ các khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện pháp điển, đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc xây dựng Bộ pháp điển và đề xuất phương thức triển khai thực hiện pháp điển hiệu quả (tổ chức vào tháng  7 và tháng 11/2014).
- Tổ chức Lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện pháp điển cho cán bộ của các cơ quan thực hiện pháp điển: Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và chiêu sinh để tổ chức vào tháng 10/2014. Lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn, các ký thuật, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện pháp điển; trao đổi kinh nghiệm, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác tổ chức, triển khai và thực hiện pháp điển hệ thống QPPL. Bộ Tư pháp dự kiến mỗi năm tổ chức 01 lớp tập huấn.
- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên dùng chung: Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng, quản lý đội ngũ cộng tác viên khoảng 20 người là các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm trong công tác pháp luật và người có kiến thức trong việc thực hiện pháp điển. Đội ngũ cộng tác viên sẽ giúp Bộ Tư pháp thực hiện pháp điển một số đề mục; tham gia ý kiến giúp Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiểm tra kết quả pháp điển các đề mục thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tư pháp; tham gia ý kiến giúp Bộ Tư pháp kiểm tra kết quả pháp điển theo đề mục do các cơ quan gửi đến trước khi tổ chức Hội đồng thẩm định.
- Ban hành văn bản nội bộ: Bộ Tư pháp đang tập trung xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền để điều chỉnh các hoạt động pháp điển của Bộ Tư pháp như: Quy chế sử dụng công tác viên của Bộ Tư pháp thực hiện công tác pháp điển; Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện pháp điển hệ thống QPPL của Bộ Tư pháp; Hệ tiêu chí theo dõi, đánh giá công tác thực hiện pháp điển của các cơ quan thực hiện pháp điển.
- Xây dựng Kế hoạch chung: Trên cơ sở Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch khai trong đó phân công các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện pháp điển theo các đề mục được Thủ tướng phân công cho Bộ Tư pháp. Trong đó xác định thời hạn hoàn thành theo đề mục để Cục KTVB chủ động theo dõi, đôn đốc và phối hợp trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
- Xây dựng Kế hoạch cho từng đề mục: Sau khi Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chung của Bộ Tư pháp, các đơn vị được phân công chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục giúp Lãnh đạo Bộ phối hợp với, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch riêng cho từng đề mục. Trong đó, xác định rõ các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện pháp điển đối với các QPPL theo quy định; xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong từng khâu đoạn của việc thực hiện pháp điển theo đề mục.
                                                                                    Tác giả: Nguyễn Duy Thắng
                                                                      
Chung nhan Tin Nhiem Mang