Công tác pháp điển hệ thống QPPL là công việc mới đối với tất cả các cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển theo Điều 4 Pháp lệnh pháp điển (các cơ quan). Để triển khai hiệu quả công tác này, các cơ quan cần có sự quan tâm bố trí các điều kiện bảo đảm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách khoa học, hiệu quả. Bộ Tiêu chí được ban hành sẽ giúp Bộ Tư pháp thuận lợi trong theo dõi, đánh giá các cơ quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác pháp điển để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với từng cơ quan một cách hiệu quả.
Bộ Tiêu chí bao gồm 06 Nhóm tiêu chí với 20 tiêu chí cụ thể và được đánh giá trên thang điểm 100. Cụ thể: Nhóm tiêu chí về ban hành các quy định, chỉ đạo, kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác pháp điển (10 điểm); Nhóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển (15 điểm); Nhóm tiêu chí về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện pháp điển (20 điểm); Nhóm tiêu chí về hoạt động thực hiện pháp điển (20 điểm); Nhóm tiêu chí về chất lượng kết quả pháp điển (15 điểm); Các tiêu chí khác (20 điểm). 20 tiêu chí của Bộ Tiêu chí này đã bao quát toàn diện công tác tổ chức thực hiện pháp điển của các cơ quan, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, dễ tổ chức thực hiện.
Việc xếp loại được thực hiện căn cứ vào tổng số điểm của mỗi cơ quan, cụ thể như sau:
- Cơ quan xếp loại A (rất tốt) nếu tổng số điểm từ 90 điểm trở lên.
- Cơ quan xếp loại B (tốt) nếu tổng số điểm từ 80 điểm đến dưới 90 điểm.
- Cơ quan xếp loại C (khá) nếu tổng số điểm từ 70 điểm đến dưới 80 điểm.
- Không xếp loại đối với cơ quan có tổng số điểm dưới 70 điểm.
Để đánh giá, chấm điểm, xếp loại từng cơ quan bảo đảm tính khách quan, sát với thực tế, ngoài việc thu thập, tổng hợp thông tin dựa vào báo cáo của các cơ quan gửi về Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản QPPL còn thu thập thông tin trên cơ sở kết quả kiểm tra, khảo sát hoặc tọa đàm về công tác pháp điển.
Trên cơ sở đánh giá, chấm điểm, xếp loại các cơ quan, Cục Kiểm tra văn bản QPPL có trách nhiệm giúp Bộ trưởng phân loại cụ thể những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của từng cơ quan để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Bộ Tư pháp ghi nhận kịp thời, xứng đáng quá trình thực hiện công tác pháp điển của từng cơ quan./.
Tác giả: Duy Thắng