Bộ Công an tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các Tổng cục, Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc
Sáng 15-11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) cho trên 400 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ làm công tác pháp chế tại các Tổng cục, Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Ngọc Anh cho biết, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về pháp điển hệ thống QPPL, Bộ Công an được giao chủ trì thực hiện 20 đề mục thuộc 3 chủ đề, trong đó có 07 đề mục thuộc chủ đề “An ninh quốc gia”, 11 đề mục thuộc chủ đề “Trật tự an toàn xã hội” và 02 đề mục thuộc chủ đề “Thi hành án” cần phải hoàn thành trong giai đoạn (2016-2023). Theo đó, năm 2016, Bộ Công an đã thực hiện pháp điển 02 đề mục là Đặc xá và Cư trú, như vậy còn 18 đề mục nữa cần tiếp tục thực hiện theo lộ trình. Vì vậy, công tác pháp điển hệ thống QPPL trong công an nhân dân còn đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải được triển khai trong các năm tiếp theo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL thuộc Cục KTVB, Bộ Tư pháp giới thiệu tổng thể về công tác xây dựng Bộ pháp điển nói chung và quy trình, trình tự cũng như kỹ thuật thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục nói riêng. Cụ thể, để pháp điển được một đề mục, các Bộ, ngành cần thực hiện các bước cơ bản như: xây dựng Kế hoạch thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục; thu thập văn bản để pháp điển; rà soát xác định các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi tiến hành thực hiện pháp điển; thực hiện pháp điển; tổng hợp kết quả pháp điển để xây dựng Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định. Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng để thẩm định kết quả pháp điển theo đề mục; các Bộ, ngành tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Hồ sơ theo ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp; Bộ Tư pháp trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển và sắp xếp vào Bộ pháp điển. Về kỹ thuật pháp điển, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu chi tiết cách sắp xếp các điều, cách ghi chú, chỉ dẫn trong Bộ pháp điển, đặc biệt hướng dẫn pháp điển một số trường hợp đặc thù mà pháp luật chưa quy định cụ thể. Qua đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã được trang bị những kiến thức cơ bản để có thể triển khai thực hiện công tác pháp điển tại đơn vị mình.
Bế mạc Hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Xuân Toản, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, sau Hội nghị này, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đề nghị các lãnh đạo, cán bộ làm công tác pháp chế tại các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 1555/QĐ-BCA ngày 29/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai công tác pháp điển hệ thống. Trong đó, đặc biệt tập trung vào một số công việc như: đẩy mạnh công tác rà soát, xử lý những văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp thực tế để có một hệ thống văn bản QPPL trong lực lượng công an nhân dân bảo đảm minh bạch, thống nhất; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế triển khai thực hiện nhiệm vụđảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ công việc…
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Toản khẳng định, pháp điển là nhiệm vụ mới và khó cần phải có sự nỗ lực tham gia thực hiện không chỉ từ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp mà còn cần có sự phối hợp tích cực của các đơn vị mới có thể giúp Lãnh đạo Bộ hoàn thành nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL mà Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng, triển khai.
Nguyễn Thu Hương - Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an