Triển khai thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã thực hiện pháp điển đối với đề mục số 1. Bảo hiểm tiền gửi thuộc chủ đề số 22. Ngân hàng, tiền tệ; Bộ Y tế đã thực hiện pháp điển đối với đề mục số 5. Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thuộc chủ đề số 45. Y tế, dược theo quy định.
|
|
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát, xác định được 08 văn bản sử dụng để pháp điển vào nội dung Đề mục, thuộc trách nhiệm pháp điển của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là đề mục số 03 hoàn thành trên tổng số 06 đề mục do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện pháp điển. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát, xác định được 11 văn bản sử dụng để pháp điển vào nội dung Đề mục đều thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Y tế. Đây cũng là đề mục số 02 trên tổng số 10 đề mục do Bộ Y tế chủ trì thực hiện pháp điển.
Phát biểu tại Cuộc họp, một số thành viên Hội đồng thẩm định đã có ý kiến về: Hiệu lực pháp lý của một số văn bản pháp điển vào đề mục Bảo hiểm tiền gửi; việc rà soát, xác định và thực hiện chỉ dẫn các quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhau trong các đề mục. Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất nhận định về cơ bản, các kết quả pháp điển theo đề mục bảo đảm chất lượng như: Sự chính xác, đầy đủ của các quy phạm pháp luật trong các đề mục; sự phù hợp của vị trí quy phạm pháp luật trong mỗi đề mục; sự tuân thủ trình tự, thủ tục pháp điển theo đề mục.
|
|
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định kết quả pháp điển 02 đề mục: Bảo hiểm tiền gửi; Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác về cơ bản bảo bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với đề mục Bảo hiểm tiền gửi, cơ quan chủ trì pháp điển đề mục Bảo hiểm tiền gửi (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phối hợp với các cơ quan thực hiện pháp điển (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính) tiến hành rà soát kỹ, xác định chính xác giá trị hiệu lực của các văn bản: Quyết định số 88/2001/QĐ-TTg ngày 05/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Quyết định số 13/2008/QĐ-TTg ngày 18/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Quyết định số 132/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-TTg ngày 18/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp các quyết định nêu trên được xác định hết hiệu lực, hiện nay không còn được áp dụng, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính loại bỏ nội dung đã được pháp điển tại các quyết định này ra khỏi Kết quả đề mục Bảo hiểm tiền gửi để bảo đảm giá trị của Bộ pháp điển. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Y tế sớm hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề và trình Chính phủ thông qua theo quy định./.
Tác giả: Phùng Thị Hương