Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Quảng cáo
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Quảng cáo

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Quảng cáo (Đề mục số 9 thuộc Chủ đề số 41). Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Quảng cáo, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Văn hóa, thể thao, du lịch”.
Đề mục Quảng cáo có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật quảng cáo số 16/2012/QH13 ban hành ngày 21/6/2012 gồm 05 chương với 43 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Theo đó, đề mục Quảng cáo được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 07 văn bản (01 Luật, 01 Nghị định và 05 Thông tư), cụ thể như sau: Luật 16/2012/QH13 Quảng cáo; Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo; Thông tư 75/2011/TT-BNNPTNT Quy định về đăng ký và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư 40/2012/TT-BCT Quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và Thông tư 04/2016/TT-BCT Sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực; Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo  và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ  quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Thông tư 04/2018/TT-BXD Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Quảng cáo” như sau:
- Chương I gồm 11 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo; Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo; Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; Xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
- Chương II gồm 05 điều quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể: (1) Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo. Người quảng cáo có các quyền sau: Quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình; Quyết định hình thức và phương thức quảng cáo; Được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã phê duyệt; Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo. Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau: Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó; Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo; Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện; Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. (2) Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các quyền sau: Quyết định hình thức và phương thức kinh doanh dịch vụ quảng cáo; Được người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính xác về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo; Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng quy hoạch quảng cáo của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời;Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các nghĩa vụ sau: Hoạt động theo đúng phạm vi, lĩnh vực đã được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo; Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo và thực hiện thủ tục có liên quan theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo; Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện; Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. (3) Quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo: Được quảng cáo trên phương tiện của mình và thu phí dịch vụ theo quy định của pháp luật; Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo; Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết và chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình; Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo; Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. (4) Quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo: Lựa chọn người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; Chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của việc cho thuê địa điểm quảng cáo, phương tiện quảng cáo và an toàn của phương tiện quảng cáo; thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo đã ký kết; Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp lắp, dựng công trình quảng cáo không đúng với giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy phép xây dựng; Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. (5) Quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo: Được thông tin trung thực về chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Được từ chối tiếp nhận quảng cáo; Được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo; Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật; Khi tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra; được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo.
- Chương III gồm 06 mục với 22 điều quy định về hoạt động quảng cáo. Cụ thể như sau:
+ Mục 1 quy định về phương tiện quảng cáo; yêu cầu về nội dung, điều kiện quảng cáo như: Phương tiện quảng cáo gồm Báo chí; Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác; Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác; Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo; Phương tiện giao thông; Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao; Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo; Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau: a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt; b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo; Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Điều kiện quảng cáo: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện…
+ Mục 2 quy định về quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác như: Quảng cáo trên báo in; Quảng cáo trên báo nói, báo hình; Quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử; Quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
+ Mục 3 quy định về quảng cáo trên các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác như: Quảng cáo trên các sản phẩm in: Đối với các loại sách và tài liệu dưới dạng sách, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo. Đối với tài liệu không kinh doanh, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản hoặc biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân được phép xuất bản tài liệu đó. Đối với tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp có nội dung cổ động, tuyên truyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, được quảng cáo không quá 20% diện tích từng sản phẩm. Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng của sản phẩm in. Không được quảng cáo trên các sản phẩm in là tiền hoặc giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước. Quảng cáo trên tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp và các sản phẩm in không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này phải ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người quảng cáo, số lượng in, nơi in; Quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình: Thời lượng quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình chương trình văn hoá, nghệ thuật, điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách không được vượt quá 5% tổng thời lượng nội dung chương trình.
+ Mục 4 quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo và phương tiện giao thông. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn: Việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội phải tuân theo quy định; Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo; Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo; Quảng cáo trên phương tiện giao thông; Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự; Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Mục 5 quy định về quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, tổ chức, sự kiện, đoàn người thực hiện quảng cáo, vật thể quảng cáo. (1) Quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao: Quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao phải thực hiện theo pháp luật về nghệ thuật biểu diễn và thể dục, thể thao. Không được treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo ngang bằng hoặc cao hơn biểu trưng, lô-gô hoặc tên của chương trình; khổ chữ thể hiện trên sản phẩm quảng cáo không quá một phần hai khổ chữ tên của chương trình. Quảng cáo trên khu vực sân khấu phải đảm bảo mỹ quan và không được che khuất tầm nhìn của người xem. Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu và các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao không được che khuất Quốc kỳ, Quốc huy, ảnh lãnh tụ, bảng hướng dẫn chuyên môn và tầm nhìn của khán giả; không làm ảnh hưởng đến hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn của vận động viên, việc chỉ đạo của huấn luyện viên và việc thực hiện nhiệm vụ của ban tổ chức, trọng tài, nhân viên hướng dẫn, y tế, người phục vụ; (2) Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo: Đoàn người thực hiện quảng cáo phải tuân theo các quy định sau: a) Đoàn người thực hiện quảng cáo là đoàn người có từ ba người trở lên mặc trang phục hoặc mang theo hình ảnh, vật dụng thể hiện sản phẩm quảng cáo tại một địa điểm hoặc di chuyển trên đường giao thông; b) Đoàn người thực hiện quảng cáo phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan; c) Tổ chức, cá nhân tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương về nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia đoàn người thực hiện quảng cáo, thời gian và lộ trình thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày thực hiện quảng cáo. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý với thông báo thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quá thời hạn trên mà không có văn bản trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện quảng cáo theo nội dung đã thông báo. Hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo và phương tiện quảng cáo khác phải tuân thủ các quy định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.
+ Mục 6 quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời như: Nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải xác định địa điểm, kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng các phương tiện quảng cáo trên đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; trong nội thành, nội thị; Việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây: Phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo, xây dựng, giao thông và quy định khác của pháp luật có liên quan; Phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội; Bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi; Bảo đảm sự thống nhất, hài hòa giữa các địa phương tại các điểm tiếp giáp trên trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; Ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước; trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm tổ chức đền bù theo quy định của pháp luật; Lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo và nhân dân. Trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực; Điều chỉnh quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển của địa phương; Niêm yết văn bản quy hoạch và bản vẽ chi tiết quy hoạch tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Bộ Xây dựng có trách nhiệm: Ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo ngoài trời trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan hướng dẫn các địa phương quy hoạch quảng cáo theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.
- Chương IV gồm 03 điều quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài, cụ thể: Quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam theo quy định của Luật này; Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện; Hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo: Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh;  Việc hợp tác, đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định pháp luật về đầu tư; Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam: Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện được hoạt động khi có giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng đại diện. Văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Chính phủ quy định thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.
- Chương V gồm 02 điều quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Pháp lệnh quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Quảng cáo còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu. Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Quảng cáo đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Quảng cáo đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Qua đó có thể thấy hệ thống pháp luật về Quảng cáo đã và đang từng bước được hoàn thiện và ổn định./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang