Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân

Thực hiện công tác pháp điển theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Đề mục số 10 thuộc Chủ đề số 35 về Tổ chức bộ máy Nhà nước). Đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Đề mục này cũng đã được tổ chức họp thẩm định theo quy định. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định, Viện Kiểm sát nhân dân chỉnh sửa lại kết quả pháp điển Đề mục, cũng như thay đổi văn bản trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã thu thập để thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và ký xác thực, đồng thời hoàn thiện hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục gửi Bộ Tư pháp tập hợp hồ sơ trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian theo quy định.
Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 của Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 24/11/2014 (Luật này gồm 06 chương với 101 điều luật) và không bổ sung thêm cấu trúc chương, mục vào Đề mục (không có sự thay đổi cấu trúc so với cấu trúc của Luật). Theo đó, Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 11 văn bản (01 Luật; 01 Nghị quyết của Quốc hội; 02 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - trong đó 01 Nghị quyết có nội dung được sửa đổi, bổ sung; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ; 04 Thông tư liên tịch và 02 Thông tư), cụ thể như sau: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13; Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và giấy chứng minh Kiểm sát viên (Nghị quyết này có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 973/2015/UBTVQH13 ngày 14/7/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và giấy chứng minh Kiểm sát viên); Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân; Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát; Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-VKSTC-BNV-BTC ngày 19/01/2006 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg ngày 13/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên ngành Kiểm sát; Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-VKSTC-BTC ngày 12/8/2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm sát viên; Thông tư số 113/2015/TT-BQP ngày 28/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ Viện kiểm sát quân sự; Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC ngày 30/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân; Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP ngày 12/11/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện thống kê hình sự.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I gồm 23 điều là các quy định chung, như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc áp dụng; Giải thích từ ngữ; Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân; Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân; Kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân; Các công tác của Viện kiểm sát nhân dân; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; Nguyên tắc thực hiện; Trách nhiệm phối hợp của Viện kiểm sát nhân dân; Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; Ngày truyền thống, phù hiệu của Viện kiểm sát nhân dân.     
- Chương II gồm 10 Mục với 46 điều quy định về các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó:
Mục 1 quy định về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Mục 2 quy định về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự.
Mục 3 quy định về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố.
Mục 4 quy định về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự.  
Mục 5 quy định về công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân, như: Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương; Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Mục 6 quy định về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam; Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc tạm giữ, tạm giam; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự; Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc thi hành án hình sự.
Mục 7 quy định về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Mục 8 quy định về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, như: Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Trách nhiệm báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nguyên tắc thực hiện việc xây dựng và gửi báo cáo, thông báo; Thời điểm, nội dung báo cáo, thông báo; Thời hạn gửi báo cáo, thông báo; Thẩm quyền ký văn bản báo cáo, thông báo.
Mục 9 quy định về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.
Mục 10 quy định về công tác thống kê tội phạm và các công tác khác, như: Công tác thống kê tội phạm; Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê hình sự liên ngành và sử dụng dữ liệu thông tin thống kê hình sự liên ngành; Nội dung, danh mục chỉ tiêu thống kê, biểu mẫu, giải thích biểu mẫu thống kê hình sự liên ngành; Nguồn tài liệu phục vụ thống kê hình sự liên ngành; Kỳ thống kê hình sự liên ngành; Kinh phí hoạt động thống kê hình sự liên ngành; Lưu trữ báo cáo thống kê hình sự liên ngành; Trách nhiệm, thời hạn lập, đối chiếu và gửi báo cáo thống kê hình sự liên ngành; Trách nhiệm, thời hạn lập, đối chiếu và gửi báo cáo thống kê hình sự liên ngành của các đơn vị trong Quân đội nhân dân; Phương thức gửi báo cáo thống kê hình sự liên ngành; Hiệu chỉnh số liệu trong báo cáo thống kê hình sự liên ngành; Cung cấp số liệu thống kê hình sự liên ngành; Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành; Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành; Công tác nghiên cứu khoa học; Công tác xây dựng pháp luật; Công tác đào tạo, bồi dưỡng; Hợp tác quốc tế;  Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
  - Chương III gồm 19 điều quy định về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân, như: Về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân; Hệ thống Viện kiểm sát quân sự; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát quân sự; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự trung ương; Cán bộ chủ trì phòng, ban và tương đương thuộc Viện kiểm sát quân sự các cấp; Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự khu vực; Việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát quân sự.
- Chương IV gồm 04 Mục với 62 điều quy định về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó:

Mục 1 gồm những quy định chung, như: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân; Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân; Nghĩa vụ của cán bộ Viện kiểm sát quân sự; Quyền lợi của cán bộ Viện kiểm sát quân sự; Điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động cán bộ Viện kiểm sát quân sự; Quản lý công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân.

          Mục 2 gồm những quy định về Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; Trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
          Mục 3 gồm những quy định về Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân, như: Kiểm sát viên và tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên; Nguồn tuyển chọn; Tiêu chuẩn tuyển chọn; Quy trình tuyển chọn; Ngạch Kiểm sát viên; Kiểm sát viên sơ cấp và tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp; Kiểm sát viên trung cấp và tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp; Kiểm sát viên cao cấp và tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp; Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bổ nhiệm Kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt; Nhiệm kỳ Kiểm sát viên; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên; Những việc Kiểm sát viên không được làm; Tuyên thệ của Kiểm sát viên; Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp; Miễn nhiệm Kiểm sát viên; Cách chức Kiểm sát viên; Kiểm tra viên và tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên; Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên; Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên chính; Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên cao cấp; Hội đồng tuyển chọn, xét thi tuyển nâng ngạch Kiểm tra viên; Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp; Miễn nhiệm, cách chức Kiểm tra viên; Kiểm tra viên các ngạch.
            Mục 4 gồm những quy định về Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương; Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương; Điều tra viên các ngạch của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương; Chuyên viên nghiên cứu Viện kiểm sát quân sự trung ương; Trợ lý kế hoạch tổng hợp Viện kiểm sát quân sự trung ương; Trợ lý thống kê hình sự, thống kê tội phạm Viện kiểm sát quân sự trung ương; Trợ lý công nghệ thông tin Viện kiểm sát quân sự trung ương; Trợ lý nhân sự, Trợ lý đào tạo kiêm quản lý hồ sơ cán bộ Viện kiểm sát quân sự trung ương; Trợ lý chính trị Viện kiểm sát quân sự trung ương.
          - Chương V gồm 39 điều quy định về bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, như: Tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân; Kinh phí và cơ sở vật chất; Chế độ tiền lương; Chế độ phụ cấp; Phụ cấp trách nhiệm theo nghề Kiểm sát áp dụng đối với Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân các cấp (kể cả Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Điều tra viên các cấp và Kiểm tra viên các cấp; Nguồn kinh phí để chi trả chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát; Mức phụ cấp trách  nhiệm, cách tính và cách chi trả; Trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên; Tiêu chuẩn, niên hạn sử dụng trang phục; Nguyên tắc cấp phát, sử dụng trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân; Việc sử dụng lễ phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, giấy chứng nhận Kiểm tra viên; Việc sử dụng trang phục thường dùng; Việc sử dụng lễ phục; Những trường hợp không phải sử dụng trang phục; Việc sử dụng Giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, giấy chứng nhận Kiểm tra viên; Cấp, đổi, thu hồi trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, giấy chứng nhận Kiểm tra viên; Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; Chế độ đào tạo, bồi dưỡng (trong đó có đào tạo đại học hệ chính quy; Đào tạo sau đại học; Đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, quân sự; Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ điều tra; Bồi dưỡng một số kiến thức khác) và về khen thưởng, xử lý vi phạm.
          - Chương VI gồm 20 điều quy định về điều khoản thi hành là các quy định về trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã được pháp điển vào Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân như đã nêu ở trên.
Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được thực hiện chỉ dẫn tại cuối điều liên quan của Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân để người sử dụng thuận tiện hơn khi tra cứu.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành quy định về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp vào cùng một nơi giúp các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu, khai thác cũng như góp phần nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân./.
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang