Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực về lực lượng cảnh sát biển Việt Nam
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực về lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong đề mục “Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này được pháp điển từ 10 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008; Nghị định số 86/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 96/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 13/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 66/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân  chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Quyết định số 122/2006/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát biển; Thông tư số 80/2011/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về Quy trình kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Thông tư liên tịch  số 211/2011/TTLT-BQP-BNNPTNT của Bộ Quốc phòng  và Bộ Nông nghiệp phát triển và nông thôn hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BQP-BGTVT của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông, vận tải hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thông tư liên tịch số 25/2012/TTLT-BQP-BTC của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Tài chính về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng Hải quan trên vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thông tư số 96/2012/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Về cấu trúc đề mục: Đề mục này có cấu trúc 06 chương 119 Điều gồm: Chương I - Quy định chung; Chương II - Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Chương III - Tổ chức của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Chương IV - Quản lý nhà nước đối với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Chương V - Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Chương VI - Điều khoản thi hành. Trong đó, các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam” như sau:
- Chương I gồm 19 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Phạm vi điều chỉnh, Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc giúp đỡ Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.
- Chương II gồm 32 điều quy định về các nội dung cơ bản về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam như: Nhiệm vụ trong việc kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để bảo vệ chủ quyền; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; nhiệm vụ trong việc bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; Nhiệm vụ trong việc phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Một số nhiệm vụ trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 - Chương III gồm 16 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Biên chế, trang bị cụ thể của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Bổ nhiệm, cách chức, giáng chức, phong, thăng, giáng và tước cấp bậc quân hàm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; Chế độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 - Chương IV gồm 15 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Nội dung quản lý nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; Thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.
 - Chương V và Chương VI gồm 37 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Nhà nước có chính sách, chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, phạm vi địa bàn hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Tiêu chuẩn tuyển chọn vào lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Kinh phí tổ chức, xây dựng và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do ngân sách nhà nước bảo đảm; Tổ chức thực hiện, điều khoản thi hành, hiệu lực thi hành của các văn bản có nội dung thuộc đề mục.
 Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang