Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực khuyến công
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực khuyến công

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong đề mục “Khuyến công”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và đóng dấu theo quy định.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 06 chương (theo cấu trúc 06 chương của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về Khuyến công), 169 điều - được pháp điển từ 05 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về Khuyến công; Thông tư số: 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia; Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28/8/2014 của Bộ Công Thương Quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Thông tư liên tịch số 16/2011/TTLT-BCT-BNV, ngày 05/4/2011 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Khuyến công” như sau:
- Chương I gồm 14 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Phạm vi điều chỉnh (quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp); đối tượng áp dụng của các quy định trong đề mục này (tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 05 năm; bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công); Giải thích từ ngữ; Mục tiêu của hoạt động khuyến công; Mục đích bình chọn.
- Chương II gồm 25 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Nội dung hoạt động khuyến công (Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động. Hình thức đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu là ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn. tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hỗ trợ khởi sự, thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thông qua tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác; Tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc: Lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước; Cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thông qua các hình thức như: Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin, ấn phẩm; xây dựng dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác; Hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Hợp tác quốc tế về khuyến công, bao gồm các hoạt động; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công); Sản phẩm tham gia bình chọn; Phân nhóm các sản phẩm tham gia bình chọn; Nguyên tắc tổ chức và tham gia bình chọn; Tiêu chí bình chọn; Hội đồng bình chọn; Cơ cấu, thành phần của Hội đồng bình chọn; Nhiệm vụ của Hội đồng bình chọn; Ban Giám khảo; Hồ sơ đăng ký bình chọn; Lưu giữ hồ sơ bình chọn; Địa điểm và thời gian tổ chức bình chọn sản phẩm; Địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm; Tổ chức bình chọn; Công nhận kết quả và cấp Giấy chứng nhận; Tổ chức trao Giấy chứng nhận; Kinh phí tổ chức bình chọn; Xử lý khiếu nại, thu hồi giấy chứng nhận; Danh mục ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công; Nguyên tắc xét ưu tiên.          
- Chương III gồm 09 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Tổ chức khuyến công Trung ương (Cục Công nghiệp địa phương, một số Trung tâm Khuyến công quốc gia ở các vùng, trực thuộc Cục Công nghiệp địa phương, để triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công quốc gia tại các vùng); Tổ chức khuyến công địa phương (Trung tâm Khuyến công trực thuộc Sở Công Thương và các chi nhánh trực thuộc Trung tâm Khuyến công); Các tổ chức dịch vụ khuyến công khác; Cộng tác viên khuyến công.
- Chương IV gồm 32 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Kinh phí bảo đảm hoạt động khuyến công (kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương); Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động khuyến công; Quản lý kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; Quy định các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia thực hiện đấu thầu hoặc xét chọn; Nguyên tắc tạm ứng, thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí; Nguyên tắc sử dụng kinh phí khuyến công; Nội dung chi hoạt động khuyến công; Mức chi hoạt động khuyến công; Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công.
- Chương V và Chương VI gồm 16 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công (Trách nhiệm của các Bộ, ngành; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công; Chế độ báo cáo và kiểm tra, giám sát các đề án, chương trình khuyến công; Quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công;  Kiểm tra, giám sát và quy định khác của địa phương; Khen thưởng và xử lý vi phạm và các điều về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực khuyến công đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang