Hệ thống các quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong đề mục “Giáo dục quốc phòng và an ninh”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và đóng dấu theo quy định. Dự kiến trong tháng 11/2016, Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề để trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 9 chương (gồm 8 chương theo 8 chương của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; bổ sung thêm chương số VIII. Một số quy định về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh), 200 điều, được pháp điển từ 13 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Nghị định số 13/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tư số 24/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương về giáo dục quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Điều 1 Thông tư số 25/2014/TT-BQP ngày 15/05/2014 của Bộ Quốc phòng Quy định tiêu chuẩn Tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC ngày 16/07/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính Quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 08/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 5/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học; Thông tư số 38/2014/TT-BQP ngày 30/5/2014 của Bộ Quốc phòng Ban hành Chương trình, nội dung; chương trình  khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; Thông tư số 40/2014/TT-BQP ngày 04/06/2014 của Bộ Quốc phòng Quy định mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; Thông tư số 08/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 27/02/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ban hành chương trình, giáo trình môn học giáo dục quốc phòng và an ninh dùng cho trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề; Thông tư số 05/2015/TT-BCA ngày 07/01/2015 của Bộ Công an Quy định về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong Công an nhân dân; Thông tư số 39/2014/TT-BQP 3/6/2014  Ban hành Chương trình khung giáo dục quốc phòng và an ninh cho người học trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Các chương của đề mục “Giáo dục quốc phòng và an ninh” có các nội dung cơ bản sau:
- Chương I gồm 43 điều quy định về các nội dung cơ bản như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các văn bản; giải thích từ ngữ; mục tiêu giáo dục quốc phòng và an ninh; nguyên tắc giáo dục quốc phòng và an ninh; chính sách của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh; trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 6 điều quy định về các nội dung cơ bản như: giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
- Chương III gồm 20 điều quy định về các nội dung cơ bản như: đối tượng được giáo dụng kiến thức về quốc phòng, an ninh (trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư); thẩm quyền triệu tập, quy định cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.
- Chương IV gồm 4 điều quy định về các nội dung cơ bản như: nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh; hình thức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
- Chương V gồm 18 điều quy định về các nội dung cơ bản như: giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm giáo viên, giảng viên chuyên trách, thỉnh giảng và cán bộ quân đội, công an biệt phái; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyển dụng giáo viên, giảng viên; trách nhiệm và quyền lợi của giáo viên, giảng viên; báo cáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyên truyền viên viên giáo dục quốc phòng và an ninh; trách nhiệm và quyền lợi của báo cáo viên, tuyên truyền viên.
- Chương VI gồm 15 điều quy định về các nội dung cơ bản như: nguồn kinh phí giáo dục quốc phòng và an ninh do Nhà nước bảo đảm, được bố trí hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; các nội dung chi (chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, các khoản chi khác theo quy định của pháp luật, chính phủ quy định chi tiết nội dung chi cho giáo dục quốc phòng và an ninh); lập dự toán, chấp hành và quyết toán.
- Chương VII gồm 50 điều quy định về các nội dung cơ bản như: nội dung quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ khác, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
- Chương VIII gồm 25 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổng cục, Bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, các học viện, trường Công an nhân dân, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an các đơn vị, địa phương) trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; sĩ quan thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; chế độ thông tin, báo cáo, kinh phí bảo đảm và các điều kiện cần thiết khác cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong Công an nhân dân.
- Chương IX gồm 21 điều quy định về các nội dung cơ bản như: tổ chức thực hiện; hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành của các cơ quan, đơn vị trong việc giáo dục quốc phòng và an ninh.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về giáo dục quốc phòng và an ninh đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang