Thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện pháp điển đối với đề mục “Các công cụ chuyển nhượng” theo quy định. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định và hoàn thiện theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ thông qua.
Đề mục này được pháp điển từ 04 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Luật Các công cụ chuyển nhượng 2015; Thông tư số 04/2013/TT-NHNN ngày 01/03/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 22/2015/TT-NHNN ngày 20/11/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định hoạt động cung ứng và sử dụng séc và Quyết định số 44/2006/QĐ-NHNN ngày 05/09/2006 của Ngân hàng Nhà nước Ban hành Quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 5 chương, 134 điều quy định về các nội dung cơ bản như: (1) Cơ sở phát hành công cụ chuyển nhượng. Theo đó, người ký phát, người phát hành được phát hành công cụ chuyển nhượng trên cơ sở giao dịch mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, cho vay giữa các tổ chức, cá nhân với nhau; (2) Các thời hạn liên quan đến công cụ chuyển nhượng như: Thời hạn thanh toán, thời hạn gửi thông báo truy đòi và thời hiệu khởi kiện khi có tranh chấp về quan hệ công cụ chuyển nhượng được tính cả ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần; nếu ngày cuối cùng của thời hạn trùng vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó; thời hạn thanh toán cụ thể của từng công cụ chuyển nhượng do người ký phát, người phát hành xác định và ghi trên công cụ chuyển nhượng phù hợp với quy định của Luật này; thời hạn gửi thông báo truy đòi, thời hiệu khởi kiện khi công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán được thực hiện theo quy định tại Điều 50 và Điều 78 của Luật này; (3) Hối phiếu đòi nợ (phát hành hối phiếu đòi nợ, chấp nhận hối phiếu đòi nợ); (4) Bảo lãnh hối phiếu (bảo lãnh hối phiếu đòi nợ, hình thức bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh); (5) Chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ (hình thức chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ, hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng, nguyên tắc chuyển nhượng, chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng, hình thức và nội dung ký chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ của người ký chuyển nhượng, chuyển nhượng bằng chuyển giao, quyền của người nhận chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng chuyển giao hoặc ký chuyển nhượng để trống, chiết khấu, tái chiết khấu hối phiếu đòi nợ); (6) Chuyển giao để cầm cố và chuyển giao để nhờ thu hồi phiếu đòi nợ (quyền được cầm cố hối phiếu đòi nợ, chuyển giao hối phiếu đòi nợ để cầm cố, xử lý hối phiếu đòi nợ được cầm cố, nhờ thu qua người thu hộ); (7) Thanh toán hối phiếu đòi nợ (người thụ hưởng, quyền của người thụ hưởng, thời hạn thanh toán, xuất trình hối phiếu đòi nợ để thanh toán, thanh toán hối phiếu đòi nợ, từ chối thanh toán, hoàn thành thanh toán hối phiếu đòi nợ, thanh toán trước hạn); (8) Tuy đòi do hối phiếu đòi nợ không được chấp nhận hoặc không được thanh toán (quyền truy đòi, văn bản thông báo truy đòi, thời hạn thông báo, trách nhiệm của những người có liên quan, số tiền được thanh toán); (9) Hối phiếu nhận nợ (nội dung của hối phiếu nhận nợ, nghĩa vụ của người phát hành, nghĩa vụ của người chuyển nhượng lần đầu hối phiếu nhận nợ, hoàn thành thanh toán hối phiếu nhận nợ, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi hối phiếu nhận nợ); (10) Các nội dung của séc và ký phát hành séc (các nội dung của séc, kích thước séc và việc bố trí vị trí các nội dung trên séc, ký phát séc, séc trả tiền vào tài khoản và séc trả tiền mặt, séc gạch chéo không ghi tên và séc gạch chéo có ghi tên); (11) Cung ứng séc (cung ứng séc trắng, in, giao nhận và bảo quản séc trắng); (12) Chuyển nhượng, nhờ thu séc (chuyển nhượng séc, chuyển giao séc để nhờ thu séc); (13) Đảm bảo thanh toán séc (bảo chi séc, bảo lãnh séc); (14) Xuất trình và thanh toán séc (thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc và địa điểm xuất trình, xuất trình séc tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc, thực hiện thanh toán, thanh toán séc đã được chuyển nhượng, đình chỉ thanh toán séc, từ chối thanh toán séc, truy đòi séc do không được thanh toán); (15) Khởi kiện, thanh tra và xử lý vi phạm (khởi kiện của người thụ hưởng, khởi kiện của người có liên quan, thời hiệu khởi kiện, giải quyết tranh chấp, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công cụ chuyển nhượng, xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về các quan hệ công cụ chuyển nhượng trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ. Việc pháp điển này giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời qua đó góp phần nâng cao năng lực cũng như nhận thức của các tổ chức, cá nhân về các công cụ chuyển nhượng trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện.