Pháp điển nâng cao tính minh bạch, niềm tin của người dân với pháp luật
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Pháp điển nâng cao tính minh bạch, niềm tin của người dân với pháp luật

(Chinhphu.vn) - Bộ pháp điển góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật nước ta. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, riêng ở cấp Trung ương có khoảng hơn 10.000 văn bản, đã góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Trong điều kiện đó, việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thưa Thứ trưởng, ngày 16/10 vừa qua, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 129/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển. Xin Thứ trưởng cho biết tình hình xây dựng Bộ pháp điển của nước ta hiện nay như thế nào?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Như bạn biết, năm 2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL). Đây là văn bản pháp lý quan trọng để xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước. Xây dựng Bộ pháp điển là một việc làm mới, khó, nhưng trong thời gian vừa qua, các bộ, ngành cũng đã chủ động, tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Về cơ bản, các bộ, ngành triển khai tương đối bài bản, nề nếp và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về việc pháp điển các đề mục, Bộ pháp điển của chúng ta có cấu trúc gồm 265 đề mục, được pháp điển từ các văn bản QPPL do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành đang còn hiệu lực. Việc xây dựng Bộ pháp điển được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023). Đến nay, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành thực hiện pháp điển xong 94 đề mục và được Chính phủ thông qua, đưa vào khai thác, sử dụng.
Cụ thể, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 phê duyệt kết quả pháp điển đối với 36 đề mục; Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018 phê duyệt kết quả pháp điển thêm 31 đề mục; và ngày 16/10/2018, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 129/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển đối với 27 đề mục, nâng tổng số đề mục pháp điển xong là 94 đề mục.
Với tiến độ thực hiện pháp điển như hiện nay, Bộ Tư pháp dự kiến cùng các bộ, ngành quyết tâm xây dựng xong Bộ pháp điển vào năm 2021, vượt tiến độ 02 năm so với lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Những kết quả pháp điển bước đầu được Chính phủ thông qua, Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong thời gian qua?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Mặc dù đến nay mới xây dựng xong một phần của Bộ pháp điển nhưng Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Trong hơn một năm qua kể từ khi Chính phủ thông qua kết quả pháp điển đầu tiên tại Nghị Quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017, đến nay đã có hơn 1,7 triệu lượt truy cập vào Cổng Thông tin điện tử pháp điển tại địa chỉ www.phapdien.moj.gov.vn (trung bình mỗi ngày có gần 03 nghìn lượt truy cập). Điều này đã cho thấy những lợi ích to lớn của pháp điển đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhiều luật sư, doanh nghiệp, người dân đã coi Bộ pháp điển là một công cụ hữu ích và thường xuyên khai thác, sử dụng phục vụ cho công việc của mình.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện pháp điển các đề mục để hướng tới mục tiêu “về đích sớm”, Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa. Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ lắng nghe, tiếp thu và tổng hợp ý kiến góp ý từ phía xã hội để nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Bộ pháp điển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân một cách tốt nhất.
Qua đây, tôi mong muốn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung tiếp tục, tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc giới thiệu Bộ pháp điển đến với người dân, doanh nghiệp, để người dân, doanh nghiệp thụ hưởng những giá trị hữu ích mà Bộ pháp điển mang lại. Và cũng mong muốn các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển có những phản hồi, góp ý để chúng ta tiếp tục hoàn thiện Bộ pháp điển.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc xây dựng Bộ pháp điển như hiện nay?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị), Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị), công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản QPPL. Có thể nói, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát văn bản dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp giữa các văn bản là điều khó tránh khỏi và việc tra cứu, tìm kiếm các quy định đang còn hiệu lực cũng gặp không ít khó khăn…
Trong khi đó, pháp điển là việc sắp xếp các QPPL vào các đề mục trong các chủ đề với phạm vi nội dung được xác định rõ ràng, có logic và có tính hệ thống cao. Do đó, Bộ pháp điển sẽ giúp chúng ta dễ dàng, thuận tiện trong tìm kiếm, tra cứu các QPPL đang còn hiệu lực. Trong quá trình thực hiện pháp điển đã phát hiện những văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế để có các biện pháp xử lý kịp thời góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật được thống nhất, đồng bộ. Ví dụ như: qua việc thực hiện pháp điển 94 đề mục vừa rồi, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, xử lý/kiến nghị xử lý để làm “sạch” được gần 3 nghìn văn bản.
Tôi tin tưởng rằng, cùng với kết quả hệ thống hóa kỳ 2 (giai đoạn 2014 - 2018), việc xây dựng Bộ pháp điển sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật giúp cho hệ thống pháp luật “đi vào cuộc sống” hiệu quả hơn.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 
Lê Sơn (thực hiện)
Nguồn: Chinhphu.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang