Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Bình đẳng giới (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 8). Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Bình đẳng giới và đã được thẩm định thông qua theo quy định. Đề mục Bình đẳng giới có cấu trúc gồm 06 chương (theo cấu trúc của Luật Bình đẳng giới) với 96 Điều. Theo đó, đề mục Bình đẳng giới được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 05 văn bản, cụ thể như sau: Luật Bình đẳng giới;
Nghị định 70/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới;
Nghị định 48/2009/NĐ-CP Quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Quyết định 114/2008/QĐ-TTg Về việc kiện toàn Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam;
Thông tư 191/2009/TT-BTC Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Bình đẳng giới” như sau:
- Chương I gồm 20 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới; Mục tiêu bình đẳng giới; Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới; Nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Phối hợp trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Phối hợp trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Phối hợp trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật và kiến thức về giới và bình đẳng giới; Phối hợp trong việc thống kê, thu thập, cung cấp thông tin, số liệu về giới và bình đẳng giới; Phối hợp trong việc xây dựng các báo cáo quốc gia về bình đẳng giới; Phối hợp trong việc bảo đảm điều kiện về nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới; Tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 08 điều quy định về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình như: Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức); Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới); Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế (Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động); Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động (Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh); Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ) Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ); Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế); Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao (Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao. Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin); Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế (Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ); Bình đẳng giới trong gia đình (Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình).
- Chương III gồm 36 điều quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới như: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng. Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam. Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam. Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam. Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam. Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam); Đề nghị, kiến nghị ban hành quy định về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, trình ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo; Chấm dứt thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; Trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi; Trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thành viên Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (Chủ tịch Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Các Phó Chủ tịch Ủy ban là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 01 Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Các Ủy viên Ủy ban gồm 01 Thứ trưởng Bộ Tư pháp;01 Thứ trưởng Bộ Nội vụ; 01 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; 01 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 01 Thứ trưởng Bộ Tài chính; 01 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 01 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 01 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; 01 Thứ trưởng Bộ Y tế; 01 Thứ trưởng Bộ Công an; 01 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; 01 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Mời 01 Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng; Mời 01 đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mời 01 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Mời 01 Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Mời 01 Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Yêu cầu và phạm vi lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Xác định nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Quy định các biện pháp cần thiết để thực hiện bình đẳng giới hoặc để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; dự báo tác động của các quy định đó đối với nam và nữ sau khi được ban hành. Xác định nguồn nhân lực, tài chính cần thiết để triển khai các biện pháp thực hiện bình đẳng giới hoặc để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới); Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đề nghị, kiến nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Trách nhiệm của cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đối với việc đánh giá lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đối với việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới; Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; Yêu cầu đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới; Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới; Nguồn kinh phí hoạt động; Nội dung và mức chi; Lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí; Tiếp nhận và sử dụng nguồn tài chính đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.
- Chương IV gồm 15 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và các cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới như: Trách nhiệm của Chính phủ; Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ; Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình; Trách nhiệm của gia đình; Trách nhiệm của công dân.
- Chương V gồm 08 điều quy định về thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới như: Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; Giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; Tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế; Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình; Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
- Chương VI gồm 09 điều quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành; Hướng dẫn thi hành.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Bình đẳng giới đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về bình đẳng giới đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến bình đẳng giới được pháp điển vào đề mục khác thì cũng được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.