Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Đấu giá tài sản
Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 được thay thế bởi Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019) phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Đấu giá tài sản (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 4 - Bổ trợ tư pháp). Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Đấu giá tài sản và Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định theo quy định. Theo đó, Bộ Tư pháp thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và ký xác thực, đồng thời hoàn thiện hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục này để trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới theo Chủ đề "Bổ trợ tư pháp".
Đề mục Đấu giá tài sản có cấu trúc được xác định theo đúng cấu trúc của Luật đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ban hành ngày 17/11/2016 (Luật này có 08 chương, 81 điều) và không bổ sung thêm cấu trúc chương/mục/tiểu mục nào vào Đề mục (Đề mục không có sự thay đổi cấu trúc so với cấu trúc của Luật). Theo đó, Đề mục Đấu giá tài sản được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 06 văn bản (01 Luật; 01 Nghị định và 06 Thông tư - trong đó, 04 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tư pháp, 02 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính), cụ thể như sau: Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14; Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản; Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản; Thông tư số 48/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản; Thông tư số 06/2017/TT-BTP ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá và biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản; Thông tư số 14/2018/TT-BTP ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của Đề mục Đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I gồm 21 điều là các quy định chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Áp dụng Luật đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác (Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước); Các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện; Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản); Giải thích từ ngữ (ví dụ như: Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; Mức giảm giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần đặt giá sau so với lần đặt giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống. Mức giảm giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá; Tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật; Tổ chức đấu giá tài sản bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản); Nguyên tắc đấu giá tài sản; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình; Giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 02 mục với 48 điều quy định về đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản. Cụ thể như sau:
+ Mục 1 gồm các quy định về đấu giá viên như: Tiêu chuẩn đấu giá viên; Đào tạo nghề đấu giá (Người đủ tiêu chuẩn theo tiên chuẩn đấu giá viên có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; Thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng); Người được miễn đào tạo nghề đấu giá; Cơ sở đào tạo nghề đấu giá; Chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá; Tập sự hành nghề đấu giá; Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để tập sự hành nghề đấu giá; Thay đổi nơi tập sự hành nghề đấu giá; Tạm ngừng tập sự, chấm dứt tập sự hành nghề đấu giá; Nội dung tập sự hành nghề đấu giá; Báo cáo kết quả tập sự hành nghề đấu giá; Quyền và nghĩa vụ của người tập sự; Trách nhiệm của đấu giá viên hướng dẫn tập sự; Thay đổi đấu giá viên hướng dẫn tập sự; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản nhận tập sự; Nguyên tắc, nội dung và hình thức kiểm tra; Điều 4.1.TT.4.15. Đăng ký tham dự kiểm tra; Tổ chức kiểm tra; Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra; Quyền và nghĩa vụ của thí sinh tham dự kiểm tra; Xử lý vi phạm đối với việc tập sự hành nghề đấu giá; Khiếu nại về tập sự hành nghề đấu giá và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; Việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; Thủ tục cấp Thẻ đấu giá viên; Thủ tục cấp lại Thẻ đấu giá viên; Thủ tục thu hồi Thẻ đấu giá viên; Những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; Về thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá; Về cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá; Hình thức hành nghề của đấu giá viên; Quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên; Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên.
+ Mục 2 gồm các quy định về tổ chức đấu giá tài sản như: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; Doanh nghiệp đấu giá tài sản; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; Đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Công bố nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
- Chương III gồm 31 điều quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản như: Về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản; Quy chế cuộc đấu giá; Niêm yết việc đấu giá tài sản; Xem tài sản đấu giá; Địa điểm đấu giá; Đăng ký tham gia đấu giá; Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; Nguyên tắc đấu giá trực tuyến; Tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến; Điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến; Thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến; Phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến; Trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến; Biên bản cuộc đấu giá trực tuyến; Thông báo kết quả đấu giá trực tuyến; Trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến; Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; Biên bản đấu giá; Chuyển hồ sơ cuộc đấu giá; Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; Quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá; Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; Đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá; Rút lại giá đã trả, giá đã chấp nhận; Từ chối kết quả trúng đấu giá; Đấu giá không thành; Đấu giá theo thủ tục rút gọn; Lưu trữ hồ sơ.
- Chương IV gồm 03 mục với 20 điều là các quy định về một số vấn đề chung khác liên quan đến quá trình thực hiện đấu giá tài sản (như: Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; Thông báo công khai việc đấu giá tài sản; Công khai giá khởi điểm, phương thức đấu giá; Tài sản đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá); các quy định về Hội đồng đấu giá tài sản (như: Thành lập Hội đồng đấu giá tài sản; Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng đấu giá tài sản; Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá tài sản; Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá tài sản); các quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (như: Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; Thực hiện việc bán đấu giá; Xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá; Lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá; Trường hợp tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá theo hợp đồng; Trường hợp Công ty Quản lý tài sản thực hiện bán đấu giá; Bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; Xử lý tài sản bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá không thành, không có người đăng ký tham gia đấu giá; Trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản; Trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong hoạt động đấu giá tài sản).
- Chương V gồm 05 điều quy định về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản (như: Khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản; Quản lý và sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản; Chi phí dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, quản lư tài sản và dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá; Quản lý, sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác).
- Chương VI gồm 08 điều quy định về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại như: Xử lý vi phạm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; Xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan; Xử lý vi phạm đối với người có tài sản đấu giá; Hủy kết quả đấu giá tài sản; Hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản; Giải quyết tranh chấp; Khiếu nại, khởi kiện về việc đấu giá tài sản của Hội đồng đấu giá tài sản; Tố cáo về hoạt động đấu giá tài sản.
- Chương VII gồm 17 điều quy định quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản (như: Trách nhiệm của Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; Nội dung chi cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; Mức chi cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; Lập dự toán, sử dụng và quyết toán chi phí đấu giá quyền sử dụng đất; Quản lý, sử dụng khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; Nộp tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất; Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá tài sản; Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá tài sản; Nội dung chi và mức chi cho hoạt động đấu giá tài sản; Lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí; Quản lý khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá tài sản).
- Chương IX gồm 19 điều quy định về quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành Luật Đấu giá tài sản và các văn bản quy phạm pháp luật đã được pháp điển vào Đề mục Đấu giá tài sản như đã nêu ở trên.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Đấu giá tài sản đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực đấu giá tài sản và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, các quy định trong Đề mục Đấu giá tài sản còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc một số đề mục khác cũng được thực hiện chỉ dẫn trong nội dung của Đề mục này để người sử dụng thuận tiện hơn khi tra cứu./.
Huỳnh Hữu Phương