Quy phạm pháp luật mới ban hành tại Nghị định số 51/2019/NĐ-CP vào đề mục Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 13/6/2019, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ (Nghị định này do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2019). Các quy định của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP thay thế cho các quy định của 02 Nghị định trước đó đã được pháp điển vào đề mục Xử lý vi phạm hành chính (đề mục số 13 thuộc Chủ đề số 39 của Bộ pháp điển) là: (1) Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và (2) Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Và dựa theo nguyên tắc của kỹ thuật pháp điển quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, các quy phạm pháp luật tại Nghị định số 51/2019/NĐ-CP được pháp điển vào đề mục Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 51/2019/NĐ-CP với 4 chương, 37 điều và có một số điểm mới về mức xử phạt, hình thức xử phạt, hành vi bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính so với 02 Nghị định trước đây (02 Nghị định vừa nêu trên). Các quy định mới ở phần quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động khoa học và công nghệ, phần quy định về các vi phạm trong hoạt động chuyển giao công nghệ để phù hợp với tình hình thực tế sau khi Quốc hội ban hành Luật chuyển giao công nghệ năm 2017.
Cụ thể, Nghị định số 51/2019/NĐ-CP có ký hiệu mã hóa văn bản trong Danh mục văn bản pháp điển vào đề mục Xử lý vi phạm hành chính theo quy ước ký hiệu mã hóa để pháp điển là NĐ.65. Theo đó, các quy định được pháp điển theo Nghị định số 51/2019/NĐ-CP có những nội dung đáng chú ý như sau:
- Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định theo lối liệt kê chi tiết các tổ chức có thể là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ, cụ thể như: Tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật doanh nghiệp; Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật hợp tác xã; Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật. Còn hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm (xem Điều 39.13.NĐ.65.2).
- Về hình thức xử phạt: Không còn có quy định về áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
- Các mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm được thiết kế theo hướng phù hợp hơn với thực tế hiện nay.
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Có sự bổ sung thẩm quyền của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (xem Điều 39.13.NĐ.65.28); Lực lượng Quản lý thị trường (xem Điều 39.13.NĐ.65.32). Đồng thời, quy định thẩm quyền của các đối tượng có thẩm quyền xử phạt cụ thể (xem Điều 39.13.NĐ.65.35 về phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác).
Đề mục Xử lý vi phạm hành chính có cấu trúc chia thành 06 Phần, thì ngoại trừ Điều 1, Điều 2 (về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng) của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP được pháp điển vào Phần thứ nhất và Điều 36, Điều 37 (về điều khoản thi hành; trách nhiệm thi hành) của Nghị định này được pháp điển vào Phần thứ sáu (Phần cuối cùng của cấu trúc Đề mục), 33 Điều còn lại của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP được pháp điển trong Phần thứ hai, tại Mục 1 Chương IV (Chương quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực – Chương bổ sung thêm so với cấu trúc của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Cụ thể với những quy định như sau:
- Quy định về: Các hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ với hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với hành vi (Vi phạm quy định về hoạt động của hội đồng khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ); các hành vi vi phạm hành chính về hoạt động chuyển giao công nghệ với hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với hành vi (Vi phạm quy định về báo cáo trong hoạt động chuyển giao, đánh giá, giám định công nghệ; Vi phạm trong việc đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ, thực hiện đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ; Vi phạm nghĩa vụ về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước; Vi phạm trong chuyển giao công nghệ cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Vi phạm chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Vi phạm trong kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ; Vi phạm trong việc lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư; Vi phạm trong việc quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng có sử dụng công nghệ; Vi phạm trong việc sử dụng công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép; Vi phạm trong đăng ký chuyển giao công nghệ; Vi phạm trong chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao).
- Quy định về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, gồm có: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ; Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Thẩm quyền của Công an nhân dân; Thẩm quyền của Hải quan; Thẩm quyền của Quản lý thị trường; Thẩm quyền của cơ quan Thuế; Thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác; Phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác)./.
Huỳnh Hữu Phương