Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Quốc phòng đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Thi đua, khen thưởng (Đề mục 1 Chủ đề 29. Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước) theo quy định.
Đề mục Thi đua, khen thưởng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật thi đua khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 47/2005/QH11 ngày 14/06/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật số 32/2009/QH12 ngày 18/06/2009 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật số 39/2013/QH13 ngày 16/11/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng), bao gồm 08 chương với 104 điều (trong đó có Điều 29.1.LQ.104 là Điều 2 Luật số 39/2013/QH13) và 01 chương được cơ quan thực hiện pháp điển bổ sung, cụ thể: Chương VI Thi đua, khen thưởng trong một số lĩnh vực. Nội dung Chương VI bao gồm 24 mục bao gồm các văn bản QPPL quy định về thi đua, khen thưởng trong một số lĩnh vực và thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành.
Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định có
63[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục, gồm 01 luật; 01 pháp lệnh; 13 nghị định; 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 44 thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng (trong đó có 14 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Nội vụ; 01 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính và 01 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Khoa học và Công nghệ) và
05 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
Đề mục Thi đua, khen thưởng có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như:
Phạm vi điều chỉnh;
Đối tượng áp dụng;
Giải thích từ ngữ. Theo đó, Chương I quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Nhà nước thực hiện khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng, khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khen thưởng quá trình cống hiến và khen thưởng đối ngoại. Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được là hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân do cấp trình khen thưởng căn cứ theo quy định xem xét, đánh giá, công nhận. Khen thưởng theo đợt (hoặc chuyên đề) là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc đợt thi đua do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất. Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm. Thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước hoặc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực được khu vực hoặc thế giới ghi nhận. Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động trong các giai đoạn cách mạng, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, có công lao, thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, có thành tích, có thời gian tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định. Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ở một trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc lĩnh vực khác. Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyên tắc thi đua gồm: Tự nguyện, tự giác, công khai; Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Nguyên tắc khen thưởng gồm: Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng; Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Danh hiệu thi đua gồm: Danh hiệu thi đua đối với cá nhân; Danh hiệu thi đua đối với tập thể; Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình.
Các hình thức khen thưởng gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng nhà nước"; Kỷ niệm chương, Huy hiệu; Bằng khen; Giấy khen.
- Chương II quy định về tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua. Hình thức tổ chức thi đua gồm: Thi đua thường xuyên; Thi đua theo đợt. Phạm vi thi đua gồm: Toàn quốc; Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và cơ sở.
Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau.
Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo cụm, khối thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trưởng các cụm, khối thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua. Thi đua theo theo đợt (chuyên đề) là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ phát động thi đua theo đợt khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp. Nội dung tổ chức phong trào thi đua gồm: Xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng và nội dung thi đua; Xác định chỉ tiêu, khẩu hiệu và thời hạn thi đua; Xác định biện pháp tổ chức phong trào thi đua; Phát động, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua; Sơ kết, tổng kết và khen thưởng thi đua.
Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua; trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và có tính khả thi. Căn cứ đặc điểm, tính chất công tác, lao động, nghề nghiệp, phạm vi và đối tượng tham gia thi đua để đề ra nội dung, hình thức tổ chức phát động thi đua cho phù hợp. Coi trọng việc tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của đợt thi đua, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của quần chúng. Triển khai các biện pháp tổ chức vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua và theo dõi quá trình tổ chức thực hiện. Tổ chức chỉ đạo điểm để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra các biện pháp khắc phục để chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua và lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động phong trào thi đua có trách nhiệm: chức phong trào thi đua gắn với lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu; Tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm động viên, khích lệ mọi người tự giác, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, cần kiệm, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết công tác thi đua; Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến để học tập và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; Thực hiện tốt chính sách khen thưởng nhằm động viên mọi người tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cả nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo ban, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong ngành và lĩnh vực do mình phụ trách. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi địa phương. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và nhiệm vụ chính trị được giao để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.
- Chương III bao gồm các quy định về hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng. Huân chương để tặng cho tập thể có nhiều thành tích; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng, lập được thành tích hoặc có quá trình cống hiến trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Huân chương gồm: "Huân chương Sao vàng"; "Huân chương Hồ Chí Minh"; "Huân chương Độc lập" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; "Huân chương Quân công" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; "Huân chương Lao động" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; "Huân chương Chiến công" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; "Huân chương Đại đoàn kết dân tộc"; "Huân chương Dũng cảm"; "Huân chương Hữu nghị". Hình thức các loại, hạng huân chương được phân biệt bằng màu sắc, số sao, số vạch trên dải và cuống huân chương. “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng tạo trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhì và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục lập được thành tích xuất sắc, trong thời gian đó có 04 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận; Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong lao động, học tập, công tác có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, được giải thưởng cao ở khu vực hoặc thế giới; Có phát minh, sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận; Có công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cấp nhà nước được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận. “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho công nhân, nông dân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này; Công nhân có 04 phát minh, sáng chế, sáng kiến mang lại lợi ích giá trị cao được bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương công nhận và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao
Nông dân có phát minh, sáng chế, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong phạm vi bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương mang lại lợi ích giá trị cao hoặc có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 05 năm trở lên, giúp đỡ nhiều hộ nông dân thoát nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động, được cấp bộ, cấp tỉnh công nhận. “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến lâu dài, liên tục trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa và đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban, ngành cấp tỉnh hoặc chức vụ tương đương; Tham gia hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Thứ trưởng hoặc chức vụ tương đương, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương. Vụ trưởng, Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 10 năm trở lên. Tham gia hoạt động liên tục trong kháng chiến chống Mỹ hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Bộ trưởng hoặc chức vụ tương đương, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương. Phó Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Thứ trưởng hoặc chức vụ tương đương, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương từ 05 năm trở lên. Vụ trưởng, Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc chức vụ tương đương từ 15 năm trở lên. “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng cho tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Lập được thành tích xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng và phổ biến học tập nêu gương toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận; Đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhì và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 01 lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” và 02 lần được tặng Cờ thi đua của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc có 04 lần được tặng Cờ thi đua của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Đối với tập thể không thuộc đối tượng tặng cờ thi đua trong thời gian đó có 03 lần được tặng Bằng khen của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, tập thể người nước ngoài có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận, đề nghị. “Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng ba và 5 năm tiếp theo liên tục lập được thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể; Có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có phát minh, sáng chế, sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả trong bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương; có công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; đối với công nhân, nông dân, người lao động có phát minh, sáng chế, sáng kiến đã được ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả được cấp tỉnh công nhận. “Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Lập được thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng ba và 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Huân chương Lao động” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Lập được thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể; Có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có công trình khoa học, nghệ thuật, có sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp bộ, cấp tỉnh đánh giá xuất sắc, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, thiết thực; đối với công nhân, nông dân, người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất hoặc có sáng kiến đã được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả được cấp huyện công nhận. “Huân chương Lao động” hạng ba để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Lập được thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương; Đã được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” và 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có quá trình xây dựng và phát triển từ 10 năm trở lên.
- Chương IV quy định về thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ xét đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng. Chủ tịch nước quyết định tặng huân chương, huy chương, "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng nhà nước", danh hiệu vinh dự nhà nước. Chính phủ quyết định tặng "Cờ thi đua của Chính phủ". Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc", "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ". Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tặng bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Tập thể lao động xuất sắc” trong Quân đội nhân dân do Chính phủ quy định. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ban, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” và giấy khen. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng danh hiệu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng giấy khen, danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Gia đình văn hóa”. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” và giấy khen. Người có thẩm quyền quyết định tặng hình thức khen thưởng nào thì trực tiếp trao tặng hoặc uỷ quyền trao tặng hình thức khen thưởng đó. Đại sứ hoặc người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền trao tặng các hình thức khen thưởng của Nhà nước Việt Nam cho tập thể, cá nhân ở nước sở tại. Danh hiệu thi đua được bình xét và đề nghị từ đơn vị cơ sở thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. Cấp quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc người đứng đầu doanh nghiệp, hợp tác xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xét tặng danh hiệu thi đua hoặc trình cấp trên xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình khen thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Chính phủ quyết định tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Người đứng đầu cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng của cấp mình và việc trình cấp trên khen thưởng; có trách nhiệm phát hiện, xây dựng điển hình tiên tiến là công nhân, nông dân, người lao động ở các thành phần kinh tế để khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng. Cơ quan chức năng về thi đua, khen thưởng tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng.
- Chương V bao gồm các quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng. Cá nhân, tập thể được khen thưởng, tuỳ từng hình thức khen thưởng, được tặng hiện vật khen thưởng và được hưởng lợi ích khác theo quy định của pháp luật. Cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng và tiền thưởng, được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Cá nhân đạt danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” được tặng: Huy hiệu và Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước; Tiền thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Cá nhân đạt danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” có trách nhiệm tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức, tài năng để thực sự là gương sáng cho đồng nghiệp noi theo và nhân dân quý trọng. Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng. Tập thể được tặng các hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày, được sử dụng biểu tượng của các hình thức khen thưởng đó trên các văn bản, tài liệu chính thức của tập thể.
Cá nhân, tập thể được khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng, không được cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Chương VI bao gồm 24 mục bao gồm các văn bản QPPL quy định về thi đua, khen thưởng trong một số lĩnh vực và thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành. Ví dụ, trong công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng, nguyên tắc xếp chức danh tương đương để xét khen thưởng Người được xếp chức danh tương đương để xét khen thưởng quá trình cống hiến phải là người được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được xếp cùng nhóm chức vụ, được hưởng cùng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo với chức danh quy định tại Nghị định số 36/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định hệ thống nhóm chức vụ, cấp bậc quân hàm cao nhất tương ứng của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 36/2010/NĐ-CP) và Nghị định sô 42/2010/NĐ-CP. Căn cứ xếp chức danh tương đương để xét khen thưởng: Quy định ban hành kèm theo Quyết đinh số 67-QD/TW ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ; Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngấy 03 tháng 6 năm 2008; Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 25/CP); Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP); Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 76/2009/NĐ-CP); Nghị định số 36/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; Quyết định số 64/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức vụ tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp Tướng của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Công văn số 4921-CV/BTCTW ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn chức danh tương đương để xét khen thưởng với một hình thức khen thưởng cao nhất tương ứng với chức vụ đảm nhiệm theo tiêu chuẩn đã được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003.
Việc xét khen thưởng cho cán bộ có quá trình Cống hiến, mỗi trường hợp chi được xem xét một lần vào năm cuối của quá trình công tác (trước khi nghỉ chế độ) với một hình thức khen thưởng cao nhất tương ứng với chức vụ đảm nhiệm theo tiêu chuẩn đã được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003. Những cán bộ đã được khen thưởng Huân chương Độc lập theo Thông tri số 38-TT/TW, sau đó tiếp tục công tác, đảm nhiệm các chức vụ trong Quân đội, nếu đủ tiêu chuẩn khen thưởng quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP thì tiếp tục được xét khen thưởng; hình thức, mức hạng khen thưởng có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn mức khen thưởng trước theo Thông tri số 38-TT/TW. Các trường hợp đã được khen thưởng theo Thông tri số 38-TT/TW, sau đó nghỉ hưu, hy sinh, từ trần, nay đối chiếư với tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, nếu đủ tiêu chuẩn đạt mức khen thưởng cao hơn mức đã được khen trước đây thì được xét điều chỉnh nâng mức khen thưởng phù hợp; nếu chỉ đạt mức khen thưởng đã được khen thưởng trước đây thì không đề nghị khen thưởng nữa. Những cán bộ đã có thời gian công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam sau đó chuyển công tác ra ngoài Quân đội, khi xét khen thưởng quá trình cống hiến được tính thời gian đã đảm nhiệm chức vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc xét khen thưởng đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật: Không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng; bị kỷ luật buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân; bị tước quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; bị tòa án tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên; Hạ một mức khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật lưu Đảng; bị khai trừ ra khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại; hoặc bị xử phạt một trong các hình thức kỷ luật: giáng cấp bậc quân hàm, hạ bậc lương, cách chức, giáng chức, cảnh cáo; Chưa xét khen thưởng đối với các trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật; cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra hoặc có đơn thư khiếu nại tố cáo chưa được xác minh, làm rd theo quy đinh của pháp luật về khiếu nại tố cáo; Các hình thức kỷ luật tính từ khỉ giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đến thời điểm xét khen thưởng. Mỗi hình thức kỷ luật của cá nhân chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (nếu hình thức kỷ luật đã xem xét trong lần khen thưởng trước thì trong lần xét khen thưởng sau không xem xét hình thức kỷ luật đó nữa).
- Chương VII quy định về điều khoản thi hành như:
Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành và Quy định chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Thi đua, khen thưởng đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng... Các quy định đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật./.
[1] Ngoài ra, có 12 văn bản sửa đổi, bổ sung