Hệ thống QPPL về điều kiện kinh doanh thông qua kết quả pháp điển đề mục Một số điều kiện kinh doanh đặc thù
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống QPPL về điều kiện kinh doanh thông qua kết quả pháp điển đề mục Một số điều kiện kinh doanh đặc thù

  1. Phạm vi thực hiện pháp điển các QPPL trong nội dung đề mục
  1. Nhóm văn bản có nội dung thuộc đề mục
 Các văn bản QPPL đang còn hiệu lực thuộc nội dung đề mục là các văn bản quy định về đầu tư, kinh doanh một số hoạt động nhưng không thuộc phạm vi pháp điển của đề mục Đầu tư hoặc các đề mục chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể, ví dụ: kinh doanh casino; kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế… Đề mục Một số hoạt động kinh doanh đặc thù có 44[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục, gồm 15 nghị định; 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 27 thông tư của Bộ trưởng (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải)
  1. Nhóm văn bản có nội dung liên quan đến đề mục
Ngoài 44 văn bản có nội dung thuộc đề mục và được pháp điển vào đề mục Một số điều kiện kinh doanh đặc thù, còn có 12 văn bản QPPL khác có nội dung liên quan trực tiếp điến các nội dung của đề mục  trên, cụ thể: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12; Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14; Luật đầu tư số 61/2020/QH14; Nghị định 96/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định 105/2017/NĐ-CP Về kinh doanh rượu; Thông tư 168/2009/TT-BTC Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty xổ số kiến thiết; Thông tư 15/2014/TT-NHNN Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đất với hoạt động kinh doanh trò chơi  điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 11/2017/TT-NHNN); Thông tư 43/2014/TT-BTNMT Quy định về đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BCT-BTC Quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch 90/2016/TTLT-BTC-BCT); Thông tư 15/2015/TT-BKHCN Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08/2018/TT-BKHCN); Thông tư 20/2019/TT-BKHCN Quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam; Thông tư 22/2019/TT-BXD Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
2. Cấu trúc đề mục Một số điều kiện kinh doanh đặc thù
Đề mục Một số hoạt động kinh doanh đặc thù là đề mục có cấu trúc đặc biệt, không có văn bản QPPL cao nhất. Cấu trúc đề mục trên được bố cục theo chương, mục, tiểu mục và điều.
Các văn bản QPPL có nội dung thuộc đề mục Một số điều kiện kinh doanh đặc thù có tính độc lập cao, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh đối với các lĩnh vực cụ thể, do đó, việc sắp xếp nội dung các văn bản này theo các chương quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực cụ thể là phù hợp, tạo thuận lợi trong việc tra cứu và áp dụng pháp luật. Theo đó, đề mục Một số điều kiện kinh doanh đặc thù có cấu trúc gồm 16 chương. Trong đó:
- Chương I. Những quy định chung (bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng); 
- Chương XVI. Điều khoản thi hành (bao gồm các quy định về hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện);
- Và 14 chương quy định về hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với 14 lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
+ Chương II. Quy định về kinh doanh xổ số
+ Chương III. Quy định về thương mại điện tử
+ Chương IV. Quy định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài
+ Chương V. Quy định về kinh doanh xăng dầu
+ Chương VI. Quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm
+ Chương VII. Quy định về kinh doanh casino
+ Chương VIII. Quy định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế
+ Chương IX. Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
+ Chương X. Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng oto
+ Chương XI. Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
+ Chương XII. Quy định về kinh doanh khí
+ Chương XIII. Quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo
+ Chương XIV. Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
+ Chương XV. Quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn
3. Những nội dung cơ bản trong đề mục
- Chương I gồm 58 điều quy định về các nội dung cơ bản như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
- Chương II gồm 07 mục với 46 điều quy định hoạt động kinh doanh xổ số của các doanh nghiệp kinh doanh xổ số và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyên tắc kinh doanh xổ số; Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Trách nhiệm, quyền lợi của người tham gia dự thưởng xổ số.
- Chương III gồm 06 mục với 70 điều quy định về thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử như: Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới; Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác; Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép; Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử… Nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử bao gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử; Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng thương mại điện tử và các quy định về quản lý dịch vụ thương mại điện tử đặc thù; Quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử; Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử; Tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử; Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử; Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thương mại điện tử; Thống kê về thương mại điện tử; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
- Chương IV quy định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài bao gồm 06 mục với 33 điều với những quy định về: Nguyên tắc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; Các hành vi bị nghiêm cấm; Tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; Thời gian hoạt động; Số lượng, chủng loại và loại hình trò chơi điện tử có thưởng; Thể lệ trò chơi; Đối tượng được phép chơi tại các Điểm kinh doanh; Quyền và nghĩa vụ của người chơi; Sổ theo dõi đối tượng ra, vào Điểm kinh doanh; Quản lý đồng tiền quy ước. Các đồng tiền quy ước của từng doanh nghiệp phải có dấu, ký hiệu riêng để nhận dạng và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Mệnh giá của đồng tiền quy ước được phép ghi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng một loại ngoại tệ chuyển đổi. Việc quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước bằng ngoại tệ được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Doanh nghiệp không được phép sử dụng đồng tiền quy ước của các doanh nghiệp khác để kinh doanh. Doanh nghiệp phải thực hiện quản lý chặt chẽ đồng tiền quy ước theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính để làm cơ sở cho việc xác định doanh thu của doanh nghiệp và phải đăng ký về mẫu mã, số lượng, chủng loại với Sở Tài chính và cơ quan thuế trực tiếp quản lý tại địa phương để theo dõi, quản lý. Trường hợp có thay đổi về mẫu mã, số lượng, chủng loại đồng tiền quy ước, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi về mẫu mã, số lượng, chủng loại đồng tiền quy ước, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký lại với Sở Tài chính và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Ngoài ra, chương IV còn có các quy định về: Quản lý thiết bị trò chơi;  Mua, tái xuất và tiêu hủy đồng tiền quy ước, thiết bị trò chơi…
- Chương V quy định về kinh doanh xăng dầu bao gồm 03 mục. Mục 1 bao gồm 06 điều quy định chung về: Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, bao gồm: Xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên; Hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu; Phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Mục 2 gồm 09 tiểu mục với 41 điều quy định về: kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; sản xuất, pha chế xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu; tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu; cửa hàng bán lẻ xăng dầu; kinh doanh dịch vụ xăng dầu và dự trữ xăng dầu. Mục 3 với 25 điều quy định về quản lý xăng dầu với các nội dung cơ bản như:  Nguyên tắc quản lý tỷ lệ hao hụt xăng dầu; Nguyên tắc xác định hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu:
Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá. Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười lăm (15) ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười lăm (15) ngày đối với trường hợp giảm giá. Trường hợp Chính phủ không thực hiện bình ổn giá, thương nhân đầu mối phải gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Văn bản kê khai giá và quyết định điều chỉnh giá theo quy định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào văn bản kê khai giá hoặc văn bản đăng ký giá và quyết định điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối gửi tới, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật.
- Chương VI bao gồm 05 mục với 46 điều quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm là báo cáo công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm về tổ chức được xếp hạng tín nhiệm. Bậc xếp hạng tín nhiệm là ký hiệu các thứ hạng đánh giá khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của tổ chức được xếp hạng tín nhiệm. Các nguyên tắc hoạt động xếp hạng tín nhiệm: Độc lập và khách quan; Trung thực; Minh bạch; Tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, quy định tại Nghị định này và các điều khoản quy định tại hợp đồng xếp hạng tín nhiệm khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Các hành vi nghiêm cấm: Sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo các tài liệu trong hồ sơ đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Cho thuê, hoặc chuyển nhượng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; Đòi hỏi hoặc nhận tiền hoặc nhận bất kỳ lợi ích nào từ tổ chức được xếp hạng tín nhiệm ngoài khoản chi phí dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được thỏa thuận trong hợp đồng xếp hạng tín nhiệm đã ký kết; Sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm và kết quả phát hành công cụ nợ của tổ chức được xếp hạng tín nhiệm để làm căn cứ xác định chi phí dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; Thông đồng, móc nối với tổ chức được xếp hạng tín nhiệm làm ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm; Làm sai lệch kết quả xếp hạng tín nhiệm; Công bố thông tin về kết quả xếp hạng tín nhiệm khi không có hợp đồng xếp hạng tín nhiệm với tổ chức được xếp hạng tín nhiệm; Chuyên viên phân tích, thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong các trường hợp xảy ra xung đột lợi ích; Tổ chức được xếp hạng tín nhiệm thực hiện các hành vi sau: Cản trở chuyên viên phân tích thực hiện hoạt động xếp hạng tín nhiệm; Cung cấp sai lệch, không trung thực thông tin, tài liệu liên quan đến việc xếp hạng tín nhiệm; Đe dọa, mua chuộc, hối lộ, thông đồng với chuyên viên phân tích, thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm hoặc doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để làm sai lệch kết quả xếp hạng tín nhiệm. Căn cứ vào tình hình phát triển thị trường tài chính, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong từng thời kỳ.
          - Chương VII quy định về kinh doanh casino bao gồm 07 mục với 60 điều với các nội dung cụ thể như sau: “Kinh doanh casino” là hoạt động kinh doanh có điều kiện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh các trò chơi có thưởng trên máy trò chơi điện tử có thưởng và bàn trò chơi có thưởng để phục vụ nhu cầu tham gia vui chơi giải trí cho các đối tượng được phép chơi theo quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP. Các nguyên tắc kinh doanh casino: Kinh doanh casino là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo hoạt động tuân thủ đúng quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino theo quy định tại Nghị định này và doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này mới được kinh doanh casino; Kinh doanh casino phải gắn với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển về du lịch, thương mại, đa dạng hóa hình thức vui chơi giải trí, làm phong phú đời sống tinh thần và thu hút khách du lịch; phải đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; Việc tổ chức, tham gia các trò chơi có thưởng phải đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, tham gia các trò chơi có thưởng phải tuân thủ đúng, đầy đủ quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra chương VII còn có các quy định về: Tổ chức, hoạt động kinh doanh casino; Điều kiện, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino; Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác…
- Chương VIII bao gồm các nội dung quy định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Chương VIII bao gồm 07 mục với 63 điều với các quy định về: Tổ chức kinh doanh đặt cược; Tổ chức đua ngựa, đua chó sử dụng cho hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó; Điều kiện, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược. Doanh nghiệp có trách nhiệm công bố công khai Điều lệ đua, Thể lệ đặt cược, các thông tin có liên quan đến sự kiện đặt cược để người chơi biết khi tham gia đặt cược và kết quả sự kiện đặt cược để xác định người chơi trúng thưởng. Doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin đã công bố và cung cấp. Các thông tin liên quan đến sự kiện đặt cược phải đảm bảo tính trung thực, có nguồn trích dẫn rõ ràng. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược phải thực hiện hạch toán riêng các khoản doanh thu, chi phí và lợi nhuận liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược và phải theo dõi riêng các khoản mục này trên hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính. Trường hợp các khoản doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp được thực hiện như sau: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh đặt cược không hạch toán riêng được doanh thu từ hoạt động kinh doanh đặt cược với doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác thì toàn bộ khoản doanh thu không tách riêng được là doanh thu dùng để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh đặt cược; Trường hợp các khoản chi phí vừa liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược vừa gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thực hiện phân bổ các khoản chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu từ hoạt động kinh doanh đặt cược so với tổng doanh thu của doanh nghiệp.
- Chương IX bao gồm 03 mục với 11 điều quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình được chế tạo giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường. Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được chế tạo giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.Chương IX còn quy định về điều kiện về an ninh, trật tự và thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhân đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh, trật tự trong Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh. Duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định này trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Không sử dụng cơ sở kinh doanh để thực hiện các hoạt động trái quy định của pháp luật ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình cho đối tượng được pháp luật cho phép sử dụng biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật, đó là: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
- Chương X bao gồm 05 mục với 55 điều quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng oto, cụ thể: Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau: Cơ sở vật chất: Doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô đáp ứng các yêu cầu tối thiểu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP; Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này. Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau: Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng; Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc; Có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường; Có thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ô tô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ; Có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các điều kiện nêu trên của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đối với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô theo các loại ô tô tương ứng tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước); hoặc Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô).
- Chương XI quy định về quản lý hoạt động quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm 07 mục với 60 điều bao gồm các quy định: đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; quản lý người tham gia bán hàng đa cấp; hoạt động bán hàng đa cấp… Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong các trường hợp quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có trách nhiệm phối hợp trong việc xác nhận các nội dung liên quan đến văn bản xác nhận ký quỹ khi Bộ Công Thương có yêu cầu. Trường hợp có thay đổi thông tin trên văn bản xác nhận ký quỹ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục điều chỉnh văn bản xác nhận ký quỹ với ngân hàng. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Bộ Công Thương. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ chịu trách nhiệm quản lý khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được hưởng lãi suất trên khoản tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng và được phép rút tiền lãi từ khoản tiền ký quỹ.
- Chương XII quy định về kinh doanh khí bao gồm 05 mục với 61 điều với các quy định cụ thể như sau: Điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí gồm: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; Có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng; Có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn; Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; Có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG kinh doanh LPG chai. Điều kiện đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí gồm: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; Cơ sở sản xuất, chế biến khí được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng; Dây chuyền, máy, thiết bị đã được kiểm định theo quy định; Có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Đối với thương nhân sản xuất, chế biến LNG ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có hệ thống bơm, nạp LNG để vận chuyển hoặc có hệ thống thiết bị phục vụ hoạt động hóa khí cung cấp cho khách hàng. Ngoài ra, tại chương XII còn bao gồm các quy định về: Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; Quy định chung về an toàn đối với cơ sở kinh doanh khíAn toàn An toàn đường ống vận chuyển khíđối với bồn chứa khíAn toàn đường ống vận chuyển khí; An toàn đối với bồn chứa khí; An toàn đường ống vận chuyển khíAn toàn đối với trạm nạp LPG vào chai; An toàn trạm nạp khí vào phương tiện vận tải; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh khí trong việc tuân thủ các quy định về kinh doanh khí trên phạm vi toàn quốc.
- Chương XIII quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo bao gồm 04 mục với 30 điều với các nội dung cơ bản như sau: Điều kiện kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; Điều hành xuất khẩu gạo và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Việc điều hành xuất khẩu gạo phải đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc sau: Góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; Bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; Thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả. Việc công bố và áp dụng các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa tăng quá cao bất hợp lý, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa giảm quá thấp bất hợp lý, không phù hợp với giá thóc định hướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường, góp phần hạn chế thiệt hại cho người sản xuất. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo quy định tại Điều này và được bù đắp các chi phí phát sinh theo quyết định, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chương XIV quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bao gồm 4 mục với 18 điều bao gồm các nội dung cơ bản như sau: Điều kiện kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Trách nhiệm chung của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường; Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường. Cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (không phải thông báo trước) theo thẩm quyền hoặc tổ chức Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp. Căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Chương XV quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn bao gồm 04 mục với 15 điều với các quy định như: điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; thực hiện dự án sân gôn; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.

- Chương XVI quy định về điều khoản thi hành
 
[1] Ngoài ra còn có 15 văn bản sửa đổi, bổ sung.
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang