Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 33 - Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác). Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục, ký xác thực theo quy định để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục này đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh (Pháp lệnh này gồm 07 chương với 59 điều).
Theo đó, Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 03 văn bản quy phạm pháp luật, đó là: Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 như vừa nêu trên; Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; Thông tư số 215/2015/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng.
  Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I về những quy định chung, gồm 08 điều, như: Phạm vi điều chỉnh (là các quy định về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng và người phiên dịch trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính); Đối tượng áp dụng (các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc giám định, định giá, làm chứng và phiên dịch trong tố tụng; các cơ quan tiến hành tố tụng); Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc thu, chi tiền chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; Giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
 - Chương II là các quy định về chi phí giám định trong tố tụng, gồm 03 mục với 37 điều, cụ thể: Mục 1 quy định về chi phí giám định do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định (như: Cơ quan có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí giám định; Thủ tục tạm ứng chi phí giám định; Trách nhiệm thanh toán chi phí giám định; Xác định chi phí giám định; Chi phí tiền Iương, thù lao cho người thực hiện giám định; Nguồn kinh phí chi trả; Nguyên tắc quản lý, sử dụng chi phí giám định, định giá tài sản, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch; Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao; Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác; Chi phí giám định bổ sung, giám định lại). Mục 2 quy định về chi phí giám định do đương sự yêu cầu (như: Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định; các đối tượng được miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định; Thủ tục nộp tiền tạm ứng chi phí giám định; Nội dung chi, mức chi, thủ tục tạm ứng, thủ tục thanh toán; Thủ tục đề nghị miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí giám định; Thẩm quyền quyết định miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí giám định; Thời hạn nộp tiền tạm ứng chi phí giám định; Thủ tục thanh toán chi phí giám định; Thủ tục đề nghị miễn, giảm chi phí giám định; Thẩm quyền quyết định miễn, giảm chi phí giám định; Nghĩa vụ nộp chi phí giám định; Chi phí giám định bổ sung, giám định lại). Mục 3 quy định về chi phí giám định để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, chi phí giám định trong trường hợp người yêu cầu giám định tự mình yêu cầu giám định.
- Chương III là các quy định về chi phí định giá tài sản trong tố tụng, gồm 02 mục với 18 điều, như: Mục 1 là các quy định về chi phí định giá tài sản do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định việc định giá. Mục 2 là các quy định về chi phí định giá tài sản do đương sự yêu cầu.
- Chương IV là các quy định về chi phí cho người làm chứng trong tố tụng, gồm 02 mục với 09 điều, như: Mục 1 là các quy định về chi phí cho người làm chứng do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập. Mục 2 là các quy định về chi phí cho người làm chứng do đương sự yêu cầu.
- Chương V là các quy định về chi phí cho người phiên dịch trong tố tụng, gồm 02 mục với 06 điều, như: Mục 1 là các quy định về chi phí cho người phiên dịch do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập. Mục 2 là các quy định về chi phí cho người phiên dịch do đương sự yêu cầu.    
          - Chương VI là các quy định về kinh phí thanh toán chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng với 04 điều là những quy định cơ bản về: Nguồn kinh phí chi trả; Lập dự toán kinh phí và phân bổ kinh phí chi trả; Thủ tục thanh toán chi phí; Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.  
          - Chương VII là các quy định về điều khoản thi hành, gồm các quy định về hiệu lực thi hành của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và trách nhiệm thi hành, hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện của các văn bản quy phạm pháp luật  như đã nêu trên.
Và như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng đã xác định được hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực chi phí giám định, định giá tài sản đối với người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng cũng được xác định có nội dung liên quan trực tiếp đến quy định của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng được thực hiện chỉ dẫn trong nội dung của Đề mục này./.
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang