Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Xuất bản (Đề mục 3 thuộc Chủ đề số 32. Thông tin báo chí, xuất bản). Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Xuất bản, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Thông tin báo chí, xuất bản”.
Đề mục Xuất bản có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật Xuất bản số 19/2012/QH12 ngày 20/11/2012 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch) bao gồm 06 chương với 54 điều và không có thay đổi so với cấu trúc của Luật. Theo đó, đề mục Xuất bản được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 07 văn bản bao gồm: 01 Luật; 02 Nghị định và 04 Thông tư và Thông tư liên tịch, cụ thể như sau: Luật 19/2012/QH13 Xuất bản và Luật 35/2018/QH14. sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định 195/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản và Nghị định 150/2018/NĐ-CP Sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghị định 18/2014/NĐ-CP Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư liên tịch 169/2013/TTLT-BTC-BTTTT Quy định chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu; Thông tư 98/2014/TT-BQP Ban hành Quy chế Xuất bản trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư 05/2016/TT-BTTTT Quy định về quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế; Thông tư 01/2020/TT-BTTTT Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản.
Các nội dung cơ bản trong đề mục Xuất bản như sau:
- Chương I gồm 11 điều quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản; Giải thích từ ngữ; Bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài; Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động xuất bản; Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản; Xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản.
- Chương II gồm 19 điều quy định về lĩnh vực xuất bản như:
Đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản
; Điều kiện thành lập nhà xuất bản (Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; Có người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 của Luật xuất bản để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu; Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;
Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt); Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản; Cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản; Tiêu chuẩn các chức danh tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản; Nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản; Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên; Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập; Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản; Đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản; Liên kết trong hoạt động xuất bản; Tác phẩm, tài liệu phải thẩm định nội dung trước khi tái bản; Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Xuất bản tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Viêt Nam; Thông tin ghi trên xuất bản phẩm; Nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam; Đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và thẩm quyền xử lý xuất bản phẩm vi phạm; Quảng cáo trên xuất bản phẩm.
- Chương III gồm 05 điều quy định về lĩnh vực in xuất bản phẩm như:
Hoạt động của cơ sở in xuất bản phẩm (Cơ sở in chỉ được in xuất bản phẩm sau khi được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Cơ sở in chỉ được nhận in xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 33 của Luật xuất bản); Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm
; Điều kiện nhận in xuất bản phẩm
(1. Việc nhận in xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây: Đối với xuất bản phẩm thực hiện thông qua nhà xuất bản thì phải có quyết định xuất bản (bản chính) và bản thảo có chữ ký duyệt của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản; Đối với tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam, tổ chức nước ngoài không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải có giấy phép xuất bản (bản chính) và bản thảo có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép quy định tại Điều 25 của Luật xuất bản; Đối với xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài phải có giấy phép in gia công và bản mẫu xuất bản phẩm đặt in gia công có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép quy định tại Điều 34 của Luật xuất bản. 2. Việc nhận in xuất bản phẩm phải có hợp đồng theo quy định của pháp luật giữa cơ sở in với nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh. 3. Số lượng xuất bản phẩm được in phải được thể hiện trong hợp đồng và phải phù hợp với quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh); In gia công xuất bản phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm (
Thực hiện quy định tại các điều 31, 32, 33 và các khoản 1, 2, 4, 5 Điều 34 của Luật xuất bản; lưu giữ và quản lý hồ sơ nhận in xuất bản phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Báo cáo về hoạt động in xuất bản phẩm của cơ sở in theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức; Khi phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật xuất bản thì cơ sở in phải dừng việc in và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo với nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt in; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động in xuất bản phẩm của cơ sở in).
- Chương IV gồm 09 điều quy định về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm như : Hoạt động phát hành xuất bản phẩm; Đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm (1. Trước khi hoạt động, cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định sau đây: Cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông; Cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp tỉ
nh. Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông quy định thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm); Cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; Đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở phát hành xuất bản phẩm, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm; Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Các trường hợp nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh không phải đề nghị cấp giấy phép; Xuất khẩu xuất bản phẩm; Triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm.
- Chương V gồm 08 điều quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử như: Điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Cách thức thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Kỹ thuật, công nghệ để xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam; Quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử (Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử thực hiện theo quy định sau đây: Không được quảng cáo lẫn vào nội dung hoặc làm gián đoạn nội dung của xuất bản phẩm điện tử dưới mọi hình thức; Thực hiện quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan); Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; Nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử; Quy định chi tiết về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.
- Chương VI gồm 02 điều quy định về
điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 và thay thế Luật xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
12/2008/QH12); Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Xuất bản đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Xuất bản đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Xuất bản còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.