Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về Lực lượng dự bị động viên
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về Lực lượng dự bị động viên

 
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Quốc phòng đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Lực lượng dự bị động viên[1] (Đề mục 9 Chủ đề 25. Quốc phòng) theo quy định.
Đề mục Lực lượng dự bị động viên có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Lực lượng dự bị động viên ngày 26/11/2019 của Quốc hội bao gồm 05 chương với 41 điều, không có thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Quốc phòng xác định có 05 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật, 03 Nghị định và 01 Thông tư) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Quốc phòng và 12 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
Đề mục Lực lượng dự bị động viên có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnhĐối tượng áp dụngGiải thích từ ngữ. Theo đó, Chương I quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự. Phương tiện kỹ thuật dự bị là tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy, phương tiện đường không dân dụng, phương tiện xây dựng cầu đường, phương tiện xây dựng công trình, phương tiện xếp dỡ hàng hóa, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế và một số loại phương tiện, thiết bị khác được đăng ký theo yêu cầu biên chế của Quân đội nhân dân. Đơn vị dự bị động viên là tổ chức quân sự gồm phần lớn hoặc toàn bộ là quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; có tổ chức, biên chế chưa hoàn chỉnh hoặc chưa tổ chức trong thời bình, nhưng có kế hoạch động viên, bổ sung trong thời chiến khi có lệnh động viên. Đơn vị chuyên môn dự bị là loại hình đơn vị dự bị động viên được tổ chức, biên chế quân nhân dự bị có chuyên môn, nghiệp vụ và phương tiện, thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn. Chuyên nghiệp quân sự là nghề nghiệp chuyên môn tương ứng với chức danh trong biên chế Quân đội nhân dân. Huy động lực lượng dự bị động viên là việc gọi quân nhân dự bị, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị để bàn giao cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân theo quy định. Chủ phương tiện kỹ thuật dự bị là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng phương tiện kỹ thuật dự bị thuộc đối tượng được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên. Cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh là nơi tổ chức huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và các lực lượng vũ trang trên địa bàn của tỉnh, bao gồm các công trình phục vụ cho quản lý, huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện, như: Doanh trại; trường bắn, thao trường huấn luyện và các công trình phụ trợ bảo đảm khác. Các nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ; Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Xây dựng, huy động đơn vị dự bị động viên bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; đúng tiêu chuẩn, thời gian; bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật và kế hoạch dược phê duyệt; Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
 
- Chương II quy định về xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của đơn vị. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị Quân đội nhân dân. Nội dung kế hoạch xây dựng lực lượng dự bị động viên bao gồm: Tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; Quản lý đơn vị dự bị động viên; Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị; Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; Công tác đảng, công tác chính trị; Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính. Nội dung kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm: Thông báo quyết định huy động, lệnh huy động; Tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị; Công tác đảng, công tác chính trị; Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính; Chỉ huy, điều hành việc huy động lực lượng dự bị động viên; Bảo vệ trong quá trình tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị. Nội dung kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên bao gồm: Quyết định về việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; Tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị; Công tác đảng, công tác chính trị; Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Bộ Quốc phòng thẩm định; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ban chỉ huy quân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thẩm định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của đơn vị thuộc quyền. Cơ quan Bộ Quốc phòng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của quân khu, kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Cơ quan quân khu thẩm định; Tư lệnh Quân khu phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về kế hoạch và đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan thẩm định; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cơ quan cấp trên trực tiếp thẩm định; Thủ trưởng cấp trên trực tiếp, phê duyệt kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị thuộc quyền trong Quân đội nhân dân. Hằng năm, cơ quan, đơn vị được giao lập kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên phải rà soát kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; trình cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, hoặc lập mới kế hoạch trong trường hợp Kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được điều chỉnh trong trường hợp có sự thay đổi nội dung nhưng chưa đến mức phải lập mới. Kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được lập mới trong trường hợp sau đây: Thay đổi chỉ tiêu về quân nhân dự bị hoặc phương tiện kỹ thuật dự bị từ 30% trở lên; Thay đổi địa phương giao hoặc đơn vị nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.
 
- Chương III bao gồm các quy định về chế độ, chính sách và kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp, bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên bao gồm: Quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp. Quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng hoặc tương đương trở lên được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị và thôi hưởng phụ cấp. Phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên: Mức 160.000 đồng/tháng đối với sĩ quan dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên. Mức 320.000 đồng/năm đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên. Phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên bao gồm: Quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ cấp tiểu đội và tương đương trở lên được hưởng phụ cấp như sau: Mức 480.000 đồng/quý đối với Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng và tương đương; Mức 560.000 đồng/quý đối với Trung đội trưởng và tương đương; Mức 640.000 đồng/quý đối với Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội và tương đương; Mức 720.000 đồng/quý đối với Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội và tương đương; Mức 800.000 đồng/quý đối với Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn và tương đương; Mức 880.000 đồng/quý đối với Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn và tương đương; Mức 960.000 đồng/quý đối với Phó Trung đoàn trưởng, Phó Chính ủy trung đoàn và tương đương; Mức 1.040.000 đồng/quý đối với Trung đoàn trưởng, Chính ủy trung đoàn và tương đương. Điều kiện và thời gian hưởng phụ cấp: Đối tượng có thời gian xếp vào đơn vị dự bị động viên từ đủ 15 ngày trong tháng trở lên thì tháng đó được hưởng phụ cấp; dưới 15 ngày trong tháng thì tháng đó không được hưởng phụ cấp; Đối tượng có thời gian xếp vào đơn vị dự bị động viên từ đủ 06 tháng liên tục trở lên thì năm đó được hưởng phụ cấp; dưới 06 tháng thì năm đó không được hưởng phụ cấp. Đối tượng thực hiện trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên và có đủ 45 ngày trong một quý trở lên thì quý đó được hưởng phụ cấp. Trong quý, quân nhân dự bị được bổ nhiệm chức vụ mới thì từ quý tiếp theo được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo chức vụ mới. Thời gian hưởng phụ cấp là khoảng thời gian quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên. Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với quân nhân dự bị được quy định như sau: Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch; Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng theo quy định tại điểm a khoản này được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ. Quân nhân dự bị được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt và bảo đảm tiền ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ. Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc được nghỉ bù vào thời gian thích hợp. Quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Quân nhân dự bị khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng chế độ, chính sách như đối với người lao động làm cùng công việc. Quân nhân dự bị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ. Gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo quy định của Chính phủ. Người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị được bảo đảm tiền ăn tương đương với tiền ăn của chiến sĩ bộ binh; trường hợp bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết, bị suy giảm khả năng lao động hoặc khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách như đối với quân nhân dự bị. Người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, làm việc trả nguyên lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe; trường hợp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được đơn vị Quân đội nhân dân chi trả tiền công lao động cho ngày làm việc tính theo mức thu nhập trung bình 03 tháng liền kề của công việc mà người đó thực hiện trước khi được huy động, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.
- Chương IV quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Nội dung quản lý nhà nước về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm: Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Quy định và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên và có trách nhiệm sau đây: Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng chiến lược, chính sách, Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; Phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng kế hoạch về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Quy định quy mô, loại hình tổ chức, số lượng đơn vị dự bị động viên; Chủ trì, phối hợp hướng dẫn Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị quân đội phối hợp với chính quyền địa phương trong xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị; Thực hiện các nhiệm vụ khác về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức có liên quan lập và thực hiện kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thuộc quyền xây dựng đơn vị chuyên môn dự bị bảo đảm đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Quyết định ngân sách bảo đảm cho việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương; Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên ở địa phương; Chủ trì, phối hợp với đơn vị Quân đội nhân dân thực hiện xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về lực lượng dự bị động viên; giám sát việc thực hiện pháp luật về lực lượng dự bị động viên. Cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.
 
- Chương V quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành và Quy định chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Lực lượng dự bị động viên đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên... Các quy định đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật./.
 
 
[1] Đề mục này đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018 về phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục.
 
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang