Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Nội vụ đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Tổ chức Chính phủ (Đề mục 6 thuộc Chủ đề số 35. Tổ chức bộ máy nhà nước). Đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Tổ chức Chính phủ, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Tổ chức bộ máy nhà nước”.
Đề mục Tổ chức Chính phủ có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 ngày 19/6/2015 của Quốc hội bao gồm 07 chương với 50 điều. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện pháp điển, Bộ Nội vụ đã bổ sung thêm cấu trúc đề mục do một số QPPL có nội dung tương đối độc lập, cụ thể: bổ sung Chương VII. Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính. Như vậy, đề mục Tổ chức Chính phủ có cấu trúc gồm 08 chương, chương VII Điều khoản thi hành trở thành Chương VIII của Đề mục. Bộ Nội vụ xác định có
38 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật, 32 Nghị định và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành.
Đề mục Tổ chức Chính phủ có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như:
Vị trí, chức năng của Chính phủ;
Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ;
Nhiệm kỳ của Chính phủ;
Thủ tướng Chính phủ;
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
- Chương II quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ như:
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật (Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ; Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án; Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật
); Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh (Đề xuất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; Quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác theo thẩm quyền; Xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội; Báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ý kiến của Chính phủ về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình);
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý khoa học và công nghệ;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong giáo dục và đào tạo;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý văn hóa, thể thao và du lịch;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý thông tin và truyền thông;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và dân số;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện các chính sách xã hội;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác dân tộc;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về cơ yếu;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong đối ngoại và hội nhập quốc tế;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với chính quyền địa phương;
Quan hệ của Chính phủ với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;
Trách nhiệm của Chính phủ (Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước một năm hai lần. Chính phủ báo cáo công tác đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước).
- Chương III quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ như: 1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; 2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; 3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; 4. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 5. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 6. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; 7. Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật; 8. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ; 9. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
; 10. Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành; 11. Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Chính phủ. Ngoài ra, chương III còn quy định về
trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ;
Thẩm quyền ban hành văn bản;
Phó Thủ tướng Chính phủ.
- Chương IV quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương;
Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Chương V quy định về Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như: Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập; Văn phòng Chính phủ là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đứng đầu; Cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan do Chính phủ thành lập.
- Chương VI quy định về chế độ làm việc của Chính phủ như: Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ;
Hình thức hoạt động của Chính phủ;
Trách nhiệm tham dự phiên họp của thành viên Chính phủ;
Phiên họp của Chính phủ;
Thành phần mời tham dự phiên họp của Chính phủ;
Kinh phí hoạt động của Chính phủ.
- Chương VII gồm 03 mục quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, cụ thể: Mục 1 quy định những vấn đề chung; Mục 2 quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính; Mục 3 quy định về thẩm quyền và trách nhiệm.
- Chương VIII quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Tổ chức Chính phủ đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về tổ chức Chính phủ đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Tổ chức Chính phủ còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.