Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Cựu chiến binh
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Cựu chiến binh

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp cùng các cơ quan khác thực hiện pháp điển đề mục Cựu Chiến binh (Đề mục 06 thuộc Chủ đề số 36. Tổ chức chính trị - xã hội). Đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Cựu Chiến binh, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Nội Vụ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “ Tổ chức chính trị - xã hội ”.
Bộ Nội vụ xác định có 07 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thẩm quyền pháp điển của Bộ Nội vụ; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và 05 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục (ngoài ra có 01 văn bản sửa đổi, bổ sung). Trong đó có, 01 Pháp lệnh, 02 Nghị định; 01 Nghị quyết; 04 Thông tư bao gồm: Pháp lệnh 27/2005/PL-UBTVQH11 Cựu chiến binh;       Nghị định 150/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh; Nghị định 157/2016/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh; Nghị quyết liên tịch 01/2010/NQLT-CP-HCCBVN Về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam; Thông tư liên tịch 05/1998/TTLT/TCCP-CCB Về tổ chức và hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước; Thông tư liên tịch 127/2007/TTLT-BQP-CCBVN Hướng dẫn vận động, tập hợp Cựu quân nhân tham gia câu lạc bộ, ban liên lạc Cựu quân nhân cơ sở; Thông tư 71/2015 /TT-BTC Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ hoạt động của hội cựu chiến binh trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khác; Thông tư 03/2020/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh.
 Hệ thống các văn bản pháp luật có nội dung liên quan bao gồm Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 Ưu đãi người có công với cách mạng ban hành ngày 09/12/2020; Nghị định 102/2018/NĐ-CP Quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài ban hành ngày 20/07/2018; Thông tư 36/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ ban hành ngày 28/09/2015.
 Đề mục Cựu chiến binh có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh cựu chiến binh năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 05 chương với 18 điều, không có sự thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh. Các chương thuộc đề mục bao gồm những quy định chung, cựu chiến binh, hội cựu chiến binh Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với cựu chiến binh, hội cựu chiến binh Việt Nam, điều khoản thi hành. Số lượng đề mục của đề mục Cựu chiến binh không nhiều so với một số đề mục khác.
Các nội dung cơ bản trong đề mục Cựu chiến binh như sau:
Chương I quy định các vấn đề chung như đối tượng áp dụng (các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khác, hội cựu chiến binh trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và hội cựu chiến binh trong các tổ chức khác); phạm vi điều chỉnh (hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh); cựu chiến binh (cựu chiến binh là công dân nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam, đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ); hội cựu chiến binh việt nam (là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do đảng cộng sản việt nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của mặt trận tổ quốc việt nam); ngày truyền thống của cựu chiến binh và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II quy định về chính sách đối với cựu chiến binh; chế độ bảo hiểm y tế đối với cựu chiến binh; chế độ mai táng phí đối với cựu chiến binh; chế độ trợ cấp khi thôi công tác hội cựu chiến binh; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách; quyền lợi của cựu chiến binh; nghĩa vụ của cựu chiến binh. Văn bản được sử dụng để pháp điển trong Chương II là Pháp lệnh số 27/2005/PL-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006; Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2007; Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2020.
Chương III quy định về hội cựu chiến binh với các vấn đề như Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Tổ chức của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; những quy định chung (việc tổ chức thành lập); hình thức và quy mô tổ chức (đối với các cơ quan hành chính của địa phương; đối với các đơn vị sự nghiệp; đối với các doanh nghiệp nhà nước; đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước của trung ương); nhiệm vụ và nội dung hoạt động của các tổ chức hội cựu chiến binh trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước; mối quan hệ của hội cựu chiến binh với các tổ chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp; mục đích vận động, tập hợp cựu quân nhân; đối tượng vận động, hình thức tổ chức tập hợp; nguyên tắc hoạt động của câu lạc bộ, ban liên lạc; nội dung hoạt động của câu lạc bộ, ban liên lạc; thời gian sinh hoạt của câu lạc bộ, ban liên lạc; nguồn kinh phí đảm bảo sinh hoạt của câu lạc bộ, ban liên lạc; trách nhiệm phối hợp thực hiện vận động, tập hợp cựu quân nhân; nhiệm vụ của hội cựu chiến binh việt nam;  bộ máy giúp việc của hội cựu chiến binh việt nam; chính sách, chế độ đối với cựu chiến binh đang làm công tác hội cựu chiến binh; kinh phí, tài sản của hội cựu chiến binh việt nam; nguồn kinh phí và nguyên tắc sử dụng kinh phí; nội dung chi và mức chi hoạt động của hội cựu chiến binh; lập, chấp hành và quyết toán kinh phí hoạt động của hội cựu chiến binh. Văn bản được sử dụng để pháp điển trong Chương III là Pháp lệnh số 27/2005/PL-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006; Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2007; Thông tư liên tịch số 05/1998/TTLT/TCCP-CCB Về tổ chức và hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước ngày 30/09/1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Ban Thường vụ TW Hội CCBVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/09/1998; Thông tư liên tịch số 127/2007/TTLT-BQP-CCBVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/10/2007; Thông tư số 71/2015 /TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.
Chương IV quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với cựu chiến binh, hội cựu chiến binh. cụ thể, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm với cựu chiến binh, hội cựu chiến binh bao gồm trách nhiệm của chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của chính phủ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; trách nhiệm của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân; trách nhiệm của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Văn bản được sử dụng để pháp điển trong Chương IV là Pháp lệnh số 27/2005/PL-UBTVQH11; Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2007; Nghị quyết liên tịch số 01/2010/NQLT-CP-HCCBVN Về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam ngày 05/05/2010 của Chính phủ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/06/2010.
Chương V quy định về vấn đề hiệu lực thi hành, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện, trách nhiệm thi hành. Trong đó, Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Ban chấp hành trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 27/2005/PL-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị quyết liên tịch số 01/2010/NQLT-CP-HCCBVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/06/2010. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam có trách nhiệm kiến nghị Chính phủ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung khi cần thiết. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2020. Hội Cựu chiến binh Việt Nam chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách; hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết các vướng mắc, phát sinh theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết. Thông tư Thông tư số 71/2015 /TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015  có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2015 và thay thế Thông tư số 103/2003/TT-BTC ngày 30/10/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung thu, chi của các tổ chức Hội Cựu chiến binh trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng các văn bản mới thì được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho kịp thời và phù hợp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Cựu chiến binh đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Cựu chiến binh đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Cựu chiến binh còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang