Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong đề mục “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 08 chương (48 Điều), trong đó 07 Chương theo cấu trúc của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và 01 Chương được bổ sung theo quy định. Đề mục này được pháp điển từ 07 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Thông tư số 05/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; Thông tư số 11/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư số 17/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư 92/2015/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính” như sau:
- Chương I gồm 04 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định trong đề mục này; Giải thích từ ngữ và nguyên tắc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
- Chương II gồm 03 điều quy định về nội dung, hình thức và yêu cầu về phản ánh, kiến nghị. Theo đó, nội dung phản ánh, kiến nghị gồm: Những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức; Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; Sự không đồng bộ, không thống nhất của các quy định hành chính; Quy định hành chính không hợp pháp; Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; Những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính; Phương án xử lý những phản ánh; Sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân. Hình thức phản ánh, kiến nghị gồm: Văn bản; Điện thoại; Phiếu lấy ý kiến. Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị gồm: yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng văn bản; Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng điện thoại; Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng Phiếu lấy ý kiến.
- Chương III gồm 07 điều quy định về tiếp nhận phản ánh, kiến nghị như: Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; Quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; Trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; Trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; Quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị; Công khai trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; Niêm yết nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
- Chương IV gồm 06 điều quy định về xử lý phản ánh, kiến nghị như: Quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan hành chính nhà nước; Hình thức xử lý phản ánh, kiến nghị; Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong xử lý phản ánh, kiến nghị; Trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong xử lý phản ánh, kiến nghị; Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong xử lý phản ánh, kiến nghị; Công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị.
- Chương V gồm 03 điều quy định về các điều kiện bảo đảm như: Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử; Kinh phí thực hiện; Chế độ thông tin báo cáo.
- Chương VI gồm 02 điều quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.
- Chương VII gồm 21 điều quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trong một số lĩnh vực. Đây là một Chương được bổ sung so với cấu trúc của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP. Về cơ bản, các quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 05/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính đã đầy đủ. Các bộ, ngành không cần hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, trên thực tế, một số bộ, ngành có ban hành văn bản QPPL để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tại cơ quan mình. Do đó, các QPPL này được pháp điển vào một Chương riêng. Theo đó, Chương VII được chia thành các Mục. Mỗi Mục được pháp điển từ các QPPL của mỗi bộ, ngành như: Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông vận tải.
- Chương VIII gồm 02 điều quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật./.
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất VBQPPL