Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào Đề mục Giáo dục
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào Đề mục Giáo dục

Thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ký ban hành 02 Thông tư, đó là: (1) Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022; (2) Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 về việc ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022. Đây là 02 văn bản quy phạm pháp luật được xác định thuộc về lĩnh vực giáo dục.
Căn cứ theo nguyên tắc pháp điển được quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện cập nhật các điều của 02 Thông tư nêu trên vào Đề mục Giáo dục (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 13 của Bộ pháp điển) theo quy định.
Theo đó, cụ thể các điều của Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT (văn bản có ký hiệu mã hóa trong danh mục văn bản có nội dung thuộc Đề mục Giáo dục là TT.151) được thể hiện trong kết quả pháp điển Đề mục như sau:
Điều 13.1.TT.151.1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam;
b) Cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài;
c) Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 13.1.TT.151.2. Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài
1. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là văn bản xác nhận kết quả thi năng lực ngoại ngữ do cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cấp cho người dự thi. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không phải là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam (sau đây gọi là Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam) với cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài) thông qua văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng liên kết để thực hiện một trong những việc: đăng ký dự thi, sử dụng địa điểm, tổ chức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
3. Đối tượng liên kết, hồ sơ đề nghị phê duyệt, thủ tục phê duyệt, thẩm quyền phê duyệt, thời hạn, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, chấm dứt liên kết và chế độ báo cáo thực hiện theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
4. Đề án thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam của Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam và Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (sau đây gọi là Các bên liên kết) phải mô tả rõ mức độ đáp ứng các yếu tố bảo đảm chất lượng quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
Điều 13.1.TT.151.3. Bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài
1. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hợp pháp và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới khi được cơ quan có thẩm quyền của nước sử dụng ngôn ngữ được thi cấp chứng chỉ là ngôn ngữ chính thức công nhận hoặc để xét duyệt hồ sơ nhập cư, nhập quốc tịch, cấp thị thực nhập cảnh cho công dân các nước có nhu cầu định cư, làm việc, nghiên cứu, học tập tại thời điểm phê duyệt liên kết tổ chức thi.
2. Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng sau:
a) Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; được bảo mật khi sao in, đóng gói, vận chuyển (nếu có), bảo quản và sử dụng; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ;
b) Quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tin cậy, chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh, ngăn ngừa và loại bỏ các hiện tượng gian lận. Quy trình đăng ký dự thi, quy định về dự thi, tài liệu hướng dẫn thi được công bố công khai trên trang thông tin điện tử chính thức và hợp pháp của Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài;
c) Cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi;
d) Quy định rõ ràng, chặt chẽ về đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của Các bên liên kết khi tham gia tổ chức thi;
đ) Bảng quy đổi kết quả thi với Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) được cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này công nhận;
e) Kết quả thi được công bố kịp thời, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ được cấp đúng thời gian quy định, thủ tục cấp thêm chứng chỉ và việc tra cứu kết quả thi thuận lợi đối với thí sinh; kết quả thi được lưu trên hệ thống dữ liệu để phục vụ việc xác thực kết quả của bài thi trong thời hạn kết quả thi còn hiệu lực; quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại về kết quả thi rõ ràng, thuận lợi cho thí sinh; có biện pháp hiệu quả để bảo mật thông tin nhận dạng cá nhân.
3. Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng sau:
a) Chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị;
b) Trang thông tin điện tử chính thức, hợp pháp cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi;
c) Cán bộ quản lý của đơn vị có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài thuộc ít nhất 01 ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi;
d) Trong trường hợp sử dụng cán bộ coi thi của Cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam: mỗi phòng thi phải có ít nhất 01 cán bộ coi thi là giảng viên hoặc giáo viên, các cán bộ coi thi khác phải có trình độ từ cao đẳng trở lên và phải được tập huấn về nghiệp vụ coi thi; có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thi; có đủ nhân viên phục vụ việc tổ chức thi;
đ) Địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm để tổ chức thi: có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi các kỹ năng theo yêu cầu của Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và theo từng đợt thi; phòng thi bảo đảm cách âm, có đủ ánh sáng, bàn, ghế và các trang thiết bị để tổ chức thi; có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi, dữ liệu camera được lưu trữ ít nhất 02 năm và được sử dụng theo quy định của pháp luật; có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi; có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) để kiểm soát, ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi; có nơi bảo quản đồ đạc của thí sinh; có phòng làm việc của hội đồng thi, trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; có hòm, tủ, hay két sắt có khóa chắc chắn để bảo quản đề thi, bài thi bảo đảm an toàn và bảo mật; có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật cho hệ thống, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật nếu tổ chức thi trên máy vi tính; trong trường hợp tổ chức thi theo hình thức trực tuyến, phải có đủ phương tiện, thiết bị, thiết bị bảo mật, có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và chống gian lận hiệu quả; có phòng chấm thi (nếu thực hiện chấm thi) bảo đảm an toàn, biệt lập, có camera giám sát được toàn bộ diễn biến trong quá trình chấm thi, dữ liệu camera được lưu trữ ít nhất 02 năm và được sử dụng theo quy định của pháp luật; khu vực thi và chấm thi (nếu thực hiện chấm thi) bảo đảm các yêu cầu an toàn, bảo mật và phòng chống cháy nổ;
e) Công khai, minh bạch lệ phí thi và các loại phí khác liên quan đến quá trình thi cấp chứng chỉ (nếu có); thực hiện giải trình với xã hội về tài chính và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Điều 13.1.TT.151.4. Trách nhiệm của Các bên liên kết
1. Thực hiện đúng cam kết trong đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được phê duyệt. Trong trường hợp có sự thay đổi so với đề án, Các bên liên kết báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, quyết định điều chỉnh.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ quản lý, coi thi, chấm thi (nếu có), kỹ thuật viên tham gia hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
3. Lưu trữ hồ sơ về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định.
4. Thông báo bằng văn bản lịch tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức thi trước 05 ngày tính đến ngày tổ chức thi.
5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 13.1.TT.151.5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý
1. Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và quy định tại Thông tư này;
b) Công bố công khai và cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các đơn vị được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các đơn vị vi phạm, các đơn vị bị đình chỉ liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài;
c) Chủ trì thực hiện kiểm tra hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
2. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Cục Quản lý chất lượng thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, kiểm tra hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo đề án liên kết tổ chức thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Điều 13.1.TT.151.6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2022.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Với Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT (văn bản có ký hiệu mã hóa trong danh mục văn bản có nội dung thuộc Đề mục Giáo dục là TT.152) thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thể thức gồm 04 điều (và có ban hành kèm theo Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông - sẽ được đính kèm ở cuối Điều 1 khi pháp điển) được thể hiện trong kết quả pháp điển Đề mục với nguyên tắc mã hóa thành các điều pháp điển lần lượt theo thứ tự như sau: Điều 13.1.TT.152.1; Điều 13.1.TT.152.2; Điều 13.1.TT.152.3 và Điều 13.1.TT.152.4.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang